(Baonghean) - Từ Bến Thuỷ (Thành phố Vinh) ngược dòng Lam giang, qua các làng xóm ven đê, chúng ta bắt gặp một nhà thờ không lớn, ẩn mình dưới chân núi Lam Thành. Đó là nhà thờ Trạng nguyên Bạch Liêu - một di tích kiến trúc đẹp của huyện Hưng Nguyên.

Ngày xưa, nơi đây có một vị trí quan trọng về quân sự và là một thắng cảnh nổi tiếng của non nước Châu Hoan. Bến Phù Thạch - núi Lam Thành, cảnh sắc ấy từng lay động không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách. Nhà thơ - Trạng nguyên Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) thời Trần đã có vần thơ:

Trào sinh trào lạc đông tây thuỷ
Vân hợp vân khai thượng hạ sơn
Nghi đỉnh Trần phù yên cảnh ngoại
Tăng gia ẩn nước hoạ đồ gian

Tạm dịch:

Nước triều lên xuống đông tây
Đỉnh non chân núi mây bay lại nhoà
Thuyền trong mây toả mờ xa
Tranh kia ai vẽ thướt tha cảnh chùa.

798730_small_100638.jpg

Nhà thờ Trạng nguyên Bạch Liêu tại xã Mã Thành (Yên Thành).

Hỏi thăm các cụ già người họ Bạch (xã Hưng Phú), được biết, nhà thờ vốn được chuyển từ làng Nguyên Xá về đây. Làng Nguyên Xá (xã Mã Thành, huyện Yên Thành) là quê hương của Trạng nguyên Bạch Liêu. Sau khi Trạng nguyên mất năm 1315, con cháu trong dòng họ đã dựng nhà thờ trên núi Động Sơn vào thời nhà Trần. Đến thời nhà Lê, ở đây có nạn hổ rừng ngày đêm ra quấy phá. Thấy ở đây không yên, con cháu họ Bạch đã di cư lánh nạn vào làm ăn tại làng Phú Điền (xã Hưng Phú) và chuyển luôn cả nhà thờ Trạng nguyên Bạch Liêu về đây.

Từ đó đến nay, ngót mấy trăm năm, qua bao lần trùng tu, nhà thờ Bạch Liêu không còn nguyên vẹn như ngày trước.

Hiện giờ, hai bên cột mái có đôi câu đối:

Thượng địa ứng niên lưu pháp khúc
Lam giang thiên cổ dục tình nguyên

Bên trong toà nhà thoáng mát là toà thượng, nơi thờ cúng thâm nghiêm. Phía trên đường hạ nhà thờ có treo biển gỗ kẻ 4 chữ nho sơn son thiếp vàng “Trạng Nguyên cập đệ”.

Hai bên có treo đôi câu đối, ca ngợi vị Trạng nguyên Bạch Liêu - người đỗ đầu tiên khoa bảng được ghi trong sử sách và nhà thờ. Đây là nhà thờ chính của họ tộc:

Long thủ giáp khoa danh tại sử
Hương Sơn (núi Lam Thành) đỉnh tộc miếu ư gia

Bên trái nơi thờ chính Trạng nguyên Bạch Liêu có bàn thờ vọng Thượng tướng quân Trần Quang Khải thời Trần. Nhà thờ còn lưu giữ được chuông đồng, lư hương đồng và nhiều đồ tế khí có giá trị.

Con cháu trong dòng họ Bạch cũng chuyển lăng mộ của Trạng nguyên Bạch Liêu từ Yên Thành vào táng trước chùa Hương Tích thuộc làng Hạ Hoàng (nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Trước bia mộ có khắc dòng chữ nói rõ khoa danh sự nghiệp của Bạch Liêu:

“Trần triều trạc thủ nguy khoa danh quốc trạng Bạch tộc nhưng lưu huyết mạch sự tại sử xanh”

Mộ được xây bằng đá hình khối tròn, giữa đỉnh được đắp hình hoa sen rất đẹp.

Nhà thờ và lăng mộ của Trạng nguyên Bạch Liêu được con cháu trong dòng họ Bạch còn lưu giữ bảo quản đến ngày nay. Đó là những công trình văn hoá có giá trị và đó cũng là một di tích lưu niệm cho đời sau biết Bạch Liêu là người thông minh lỗi lạc, yêu nước thương dân, quê hương tha thiết, người đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống giặc Nguyên - Mông hồi thế kỷ XIII, với kế hoạch “Biến pháp tam chương” nổi tiếng, được nhân dân xứ Nghệ trọng vọng suy tôn là vị thuỷ tổ khai khoa của xứ mình:

“Trạng Nguyên đệ nhất tam khôi
Nhất danh nhất giáp đầu ngôi bảng vàng
Mũ rồng áo tía vua ban
Lọng xanh đi trước, lọng vàng đi sau”


Trần Hữu Đức (VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)