Sáng 8/4, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở: Nông Nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương, Chi cục ATVS thực phẩm, phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh); các phó Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố.
Kiểm tra 3.568 cơ sở, phạt hành chính 2,5 tỷ đồng
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong năm 2018 và quý I năm 2019, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp đã tổ chức 196 lớp tập huấn về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản cho trên 7.000 lượt học viên; xây dựng mô hình 8 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, củ quả an toàn và gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng, quản lý và duy trì hoạt động 56 cơ sở giết mổ tập trung. Số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ bình quân trên 1.000 con lợn, 100 con trâu bò và 1.500 con gia cầm/ngày.
Các đơn vị trực thuộc Sở đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra theo lĩnh vực quản lý. Kết quả đã thanh, kiểm tra 3.568 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 539 cơ sở với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, công tác quản lý chất lượng, ATTP vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản trên địa bàn một số huyện, thị chưa kịp thời, chính xác.
Nói không với thực phẩm giả, kém chất lượng
Tình hình ATTP còn phức tạp: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; công nghệ chế biến lạc hậu... Vì vậy, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 này, Sở Nông nghiệp và PTNT lấy chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản; tăng cường công tác lấy mẫu, ưu tiên các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc BVTV cấm, ngoài danh mục trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản phẩm sơ chế, chế biến.
Đối tượng ưu tiên truyền thông trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các cơ quan, bộ đội Biên phòng, hải quan; người tiêu dùng thực phẩm.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm nông nghiệp” được triển khai tại các cấp từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy, ngay sau hội nghị này, các địa phương triển khai ngay kế hoạch thực hiện có hiệu quả thiết thực, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng thực phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia một số ý kiến: Đội ngũ cán bộ thực hiện ATTP chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu tính chủ động trong quá trình triển khai. Công tác quản lý nhà nước về các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được tốt. Vì vậy, tỉnh cần có chủ trương thực hiện thống kê về cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các địa phương, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát hàng hóa thực phẩm từ gốc, nhằm hạn chế thực phẩm bẩn bán ra thị trường.