Vạn sự khởi đầu nan
Điển hình là cơ sở sản xuất nấm giống và nấm thương phẩm bằng phương pháp an toàn sinh học của anh Phan Văn Linh ở xóm 4, thị trấn Yên Thành. Khi còn là sinh viên ngành Nông nghiệp Trường Đại học Vinh, Phan Văn Linh là 1 trong 10 sinh viên xuất sắc được cử đi thực tập tại Israel, theo chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học. Trong thời gian 10 tháng, anh được tiếp cận với nền nông nghiệp phát triển, đặc biệt đi sâu nghiên cứu về nhân nuôi mô vi sinh. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Linh đã quyết định trở về quê nhà để lập nghiệp.
“So với nước có nền nông nghiệp phát triển Israel, thì ở ta cũng có nhiều lợi thế về tiềm năng đất đai, lao động và nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm. Nếu người dân có kiến thức, công nghệ, kỹ thuật và biết khắc phục những khó khăn thì có thể áp dụng thành công” - anh Phan Văn Linh cho biết.
Mặc dù không ít lần thất bại, nhưng bằng cả tâm huyết và niềm đam mê, 4 năm lại nay cơ sở của anh Phan Văn Linh đã sản xuất thành công nhiều loại nấm giống, bình quân mỗi năm cung ứng cho thị trường 2,7 tấn giống các loại, đồng thời đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm cho các cơ sở liên kết, góp phần làm nên thương hiệu nấm rơm Yên Thành.
Không dừng lại ở đó, năm 2017 vừa qua, anh Linh đã nghiên cứu và sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo, một loại dược liệu quý, hiện đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Sendo Shohei - Điều phối dự án JICA của Nhật Bản về hợp tác kỹ thuật và phát triển ngành Nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An khẳng định: “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình này, riêng đối với nấm đông trùng hạ thảo, hiện nay ở Nhật Bản tỷ lệ nuôi cấy chỉ đạt ở mức thấp. Về phía dự án, JICA sẽ hỗ trợ thêm về các tiến bộ KHKT mới trong việc nuôi cấy nấm giống, cũng như giúp người dân Yên Thành phát triển nghề trồng nấm bền vững. Đây là một trong những sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp sạch mà JICA đang xúc tiến tại Nghệ An”.
Huyện Yên Thành có tổng diện tích đất sản xuất gần 17.000 ha, 87% dân số làm nông nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh sản xuất. Không tự thỏa mãn khi năng suất lúa đạt 160 ngàn tấn/năm, nông dân Yên Thành đã tính đến chuyện làm giàu từ sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao, trong đó cây lúa là một trong những sản phẩm chủ lực.
Từ vụ xuân 2018, huyện Yên Thành đã liên kết với Tập đoàn TH mở rộng quy mô diện tích sản xuất lúa chất lượng cao QJ1 lên gần 1 ngàn ha ở 12 xã. Đây là giống lúa mới, hạt gạo đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm như: sữa gạo, bánh kẹo và gạo hàng hóa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Nhiều thách thức cần vượt qua
Một thực tế cho thấy, cũng như nhiều địa phương khác, sản xuất công nghệ cao còn có những hạn chế, khoảng trống và rào cản nhất định. Đó là, người dân mới chủ yếu tập trung vào ứng dụng các tiến bộ KHKT, chứ chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng theo chuỗi giá trị, thiếu tính bền vững. Mặt khác vấn đề chính sách, kinh phí, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…
Theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH - KHCN Vĩnh Hòa, hiện nay là trình độ của người dân còn nhiều hạn chế, chưa hiểu hết về nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn đòi hỏi người dân phải có sự tư duy, sáng tạo, làm chủ KHKT trên đồng ruộng. Một thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao, vì thế mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trên diện tích canh tác còn nhiều hạn chế.
Còn với mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà lưới của chị Hà Thị Sương ở xóm Bắc Xuân, xã Hồng Thành cũng là một ví dụ. Đây là 3 mô hình đầu tiên của huyện Yên Thành ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch.
Mặc dù đầu tư lớn để xây dựng khu nhà lưới với diện tích 2.000m2, bản thân chị cũng tự học hỏi, tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ KHKT nhằm phá bỏ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy vậy, sau 1 năm đi vào sản xuất mô hình này cũng gặp không ít trở ngại, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm vẫn còn chậm do chưa có sự liên kết trong sản xuất. Một lý do nữa phải kể đến đó là người dân chưa phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, chất lượng cao, khi thấy giá cao hơn một chút là không muốn mua.
Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa. Điều đáng phấn khởi đã có 13 công ty, doanh nghiệp vào địa bàn hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Để khoa học và công nghệ phát huy vai trò đòn bẩy trong sản xuất, ngoài cơ chế chính sách, Yên Thành còn chú trọng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển, mang tiến bộ khoa học và công nghệ đến với nông dân, giúp họ thay đổi tập quán làm nông nghiệp truyền thống. Sự liên kết này sẽ là động lực cho doanh nghiệp và người nông dân đồng hành, xây dựng quê hương.