Gia đình anh Trần Hữu Cường ở thôn 6, xã Lĩnh Sơn là một trong những hộ tiên phong đi đầu trong việc tự nguyện hiến đất làm đường vào Di tích lịch sử Quốc gia hiệu Yên Xuân cho hay: “Biết con đường mới sắp xây dựng sẽ đi qua phần đất của gia đình, tôi đã bàn với vợ con và nhất trí hiến 44 m2 đất ở, 14 m bờ rào xây cùng nhiều công trình được xây dựng kiên cố”.
Ngay sau việc làm của gia đình ông Trần Hữu Cường, nhiều hộ dân có đoạn đường đi qua đã rất phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ, phá dỡ hàng rào kiên cố, hiến đất để mở rộng đường; tiêu biểu như gia đình chị Trần Thị Liên ở thôn 5 hiến 33 m2 đất ở và 30 m bờ rào xây kiên cố...
Từ trước đến nay, đường vào hiệu Yên Xuân còn nhỏ hẹp, xuống cấp nên đi lại không ít khó khăn. Trước tình hình đó, tháng 3/2019, UBND huyện Anh Sơn đã tập trung nguồn lực, ưu tiên làm tuyến đường vào Di tích lịch sử Quốc gia hiệu Yên Xuân từ thôn 6 vào thôn 7, làng Dương Xuân có chiều dài 990m với số vốn 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết: Đảng bộ, chính quyền địa phương xã xác định việc mở rộng tuyến đường vào Di tích lịch sử Quốc gia hiệu Yên Xuân từ thôn 6 vào thôn 7, làng Dương Xuân từ 3,5 m, nay thiết kế mở rộng lên 7,2 m, lề đường mỗi bên 1m là một việc làm mang tính dân chủ, cần phải có sự bàn bạc, tham gia của nhân dân...
Hiệu Yên Xuân, trước đây thuộc làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn; ngoài là nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Nghệ An vào năm 1929, đây còn là nơi ươm mầm những "hạt giống đỏ" sau này trở thành hạt nhân của các phong trào cách mạng, đặc biệt là trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.