bna__trong_xoan1217611_1152018.jpgNhiều vườn xoan đâu đã đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Với ưu thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đồi núi thấp liền kề, nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Con Cuông và Tương Dương đã trồng những vườn xoan đâu lớn. Hiện nay, nhiều vườn xoan đâu đã đến kỳ thu hoạch, được nhiều thương lái tìm đến mua và trả giá rất cao.

Từ năm 2011, với nguồn vốn của gia đình, ông Quang Văn Dương ở xã Tam Đình (Tương Dương) đầu tư trồng xoan đâu. Ông Dương chia sẻ: “Sau chu kỳ 7 năm phát triển, mỗi cây gỗ xoan có đường kính trung bình từ 30-45cm. Mỗi khối gỗ thương lái thu mua tại vườn có giá 2,5 triệu đồng/khối. Tính ra thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Gỗ xoan đâu xuất ra thị trường có giá trị rất cao, gấp nhiều lần so với trồng keo”.

Cùng đó, gia đình ông Kha Thanh Đoàn ở xã Tam Đình có vườn xoan  1 ha có 1.000 cây thẳng đẹp. Hiện tại, vườn xoan đang đến thời điểm có thể thu hoạch bán ra thị trường, nhiều thương lái tìm đến mua trả giá cao nhưng ông Đoàn vẫn chưa muốn bán. Ông Đoàn cho biết: “Mặc dù giá cao nhưng chưa bán vì muốn vườn xoan phát triển thêm vài năm nữa để cho chất lượng gỗ tốt hơn. Vài năm nữa vườn xoan sẽ cho thu hoạch vài trăm triệu đồng…”.

Cây xoan đâu cũng đang làm thay đổi nhiều vùng đất ở các huyện Con Cuông, Đô Lương. Mạnh dạn đầu tư, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng keo sang trồng xoan đâu, sau nhiều năm chăm sóc, đến nay gia đình anh Lô Văn Ấn ở xã Chi Khê (Con Cuông) sở hữu vườn xoan đâu hơn 1,5ha, tầm 2-3 năm nữa vườn xoan sẽ cho thu hoạch. Theo anh Ấn, xoan đâu ở đây rất dễ trồng, cây sinh trưởng khỏe. Trồng cây này ít phải bón phân, từ 1-2 năm đầu phải rào bảo vệ để cây phát triển thẳng. So với trồng keo thì trồng xoan đâu có lợi nhuận cao hơn nhiều và thị trường luôn rộng mở.

Hiện nay, nguồn gỗ xoan đâu được các làng nghề mộc ở Đô Lương, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh tìm mua. Gỗ xoan được ưa chuộng để làm đồ nội thất, một số doanh nghiệp còn xử lý để sản xuất hàng gỗ xuất khẩu. Đó là yếu tố bền vững để người dân yên tâm trồng rừng xoan. Hoạt động này góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân ở miền núi, và phát huy hiệu quả trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc...