Thị trường “chững”
Nếu như mọi năm, ra Tết là thời điểm hàng hóa xuất bán tấp nập thì năm nay, từ sau Tết Nguyên đán, sản phẩm tôm nõn của các gia đình thành viên Hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu đã rơi vào trạng thái ế ẩm. Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch hội chia sẻ: Việc giao dịch bán hàng theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn từ mùng 5 Tết.
Trong khi đó, người dân về Tết, khách du lịch mua làm quà cũng ít hẳn vì người dân hạn chế đi lại. Nếu bình thường như mọi năm, tháng Giêng, Hai là những tháng sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất, bình quân các thành viên của hội tiêu thụ 3 tấn tôm nõn, tương đương 30 tấn tôm tươi/tháng, trong đó xuất khẩu khoảng 30% thì nay hầu như chững lại.
bna_a19484897_1222020.jpgCơ sở sản xuất tôm nõn ở Diễn Châu tìm hướng bán hàng online. Ảnh: Phú Hương

Riêng hộ ông Tuấn, hiện kho đông của gia đình với sức chứa 50 tấn đã gần đầy, trong khi bình thường chỉ chứa khoảng 20 tấn. Sức mua giảm kéo theo giá cả cũng giảm. Trước Tết 1 kg tôm nõn có giá từ 550.000 - 600.000 đồng, thì nay chỉ còn 450.000 - 500.000 đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu mua vào cũng giảm từ 45.000 - 50.000 đồng/kg còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. 

Mỗi năm xuất bán 2.000 tấn sản phẩm lạc, vừng, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, ông Phạm Ngọc Thắng - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lạc trên địa bàn huyện Diễn Châu cho biết: Thị trường Trung Quốc là thị trường cực kỳ bấp bênh, không ổn định. Hiện lạc Diễn Châu chưa đến mùa thu hoạch, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, chưa được khống chế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ vì số lượng sản phẩm xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch chiếm tới 50% sản lượng tiêu thụ. 
Sản phẩm lạc Diễn Châu vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phú Hương - Cảnh Yên
Tìm hướng đi
Trong khó khăn chung, theo cách làm cụ thể của mình, các doanh nghiệp, nhà phân phối và người sản xuất ở Nghệ An đều đang nỗ lực tìm hướng đi cho nông sản Việt. “Chúng tôi giảm giá bán, chấp nhận giảm lợi nhuận; tăng cường tiếp thị, mở thêm các kênh bán hàng như bán hàng online trên mạng, đổ mối bán lẻ ...”, ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu cho biết.
Nếu khó xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ mở rộng mạng lưới tiêu thụ nội địa, đưa sản phẩm vào TP. Hồ Chí Minh, ra Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Vì nếu xuất sang các thị trường “khó tính” khác, sẽ rất khó cạnh tranh vì công nghệ thiết bị sản xuất ra các sản phẩm tinh chưa đáp ứng yêu cầu và chưa theo được các nước khác. “Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi hợp tác với TH cung cấp 100 tấn lạc xay/năm để làm nguyên liệu sản xuất kem, sữa chua. Đóng gói sản phẩm lạc sen Nghệ An đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh khoảng 50 - 70 tấn/năm”, ông Phạm Ngọc Thắng chia sẻ.
Sản phẩm lạc sen Nghệ An đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh khoảng 50 - 70 tấn/năm. Ảnh: Cảnh Yên
Mỗi năm xuất bán khoảng trên 30 tấn đường, theo ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho hay: “Hiện chưa có biến động gì nhiều, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng thì chúng tôi sẽ tiếp tục có các giải pháp mở rộng thị phần trong nước như tăng cường khâu tiếp thị sản phẩm qua các kênh thông tin, làm tốt khâu dịch vụ...”. 
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng của nông sản Nghệ An. Sức mua của thị trường này giảm, sẽ tác động đến chúng ta trên cả hai góc độ. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mà còn có tác động gián tiếp khi hàng hóa của các nước có xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc nay bị chững lại do dịch bệnh sẽ tìm kiếm các thị trường khác và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Các kho đông tăng cường cấp đông sản phẩm chưa được tiêu thụ. Ảnh: Phú Hương

“Giải pháp trước mắt, chúng tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp, người sản xuất  đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm “tinh” hơn để tiêu thụ, xuất bán sang các thị trường khác. Củng cố, tận dụng các kho dự trữ, cấp đông, khuyến khích thương lái thu mua các mặt hàng nông, thủy sản còn lại để bảo quản, lưu trữ tại kho lạnh, tiêu thụ dần, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ chính ngạch. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại để bày bán và đẩy mạnh tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…

Về lâu dài, chỉ đạo, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất sạch để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính.