Trước diễn biến phức tạp của các loại bệnh dịch trên đàn vật nuôi, sáng 14/2, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với 21 huyện, thị xã, thành phố về triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị.
bna_toan_canh3006785_1422020.jpgĐiểm cầu Nghệ An tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: Xuân Hoàng

24 xã còn dịch tả lợn; 4 xã có dịch cúm gia cầm H5N6

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi từ ngày 12/3/2019 đến 11/02/2020 đã xảy ra tại 21.169 hộ, 2.541 xóm, 367 xã, 21 huyện, thành, thị. Tổng số lợn đã tiêu hủy 94.699 con (chiếm khoảng 10,12% so với tổng đàn lợn toàn tỉnh), tổng trọng lượng 4.785.912 kg (chiếm 3,63% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng). Hiện còn 24 xã thuộc 10 huyện, thị xã có dịch chưa qua 30 ngày.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ đầu tháng 01/2020 đến nay, số hộ có dịch 177 hộ, tiêu hủy 694 con; trong đó tái dịch tại 5 xã; có 3 gia trại tại 2 xã Diễn Liên, Diễn Vạn (Diễn Châu) và xã Phú Thành (Yên Thành) người dân tự ý tái đàn khi chưa đủ điều kiện cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh .

Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đang tái phát tại một số địa phương. Trong năm 2019 xảy ra tại 04 hộ chăn nuôi ở 4 xóm thuộc 4 xã của 02 huyện, gồm: huyện Yên Thành (01 hộ có dịch A/H5N1) và huyện Quỳnh Lưu (03 hộ ở 03 xã có dịch A/H5N6).

Ông Lê Đình Huệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3, cho rằng: Nghệ An có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm phần lớn, đặc biệt đàn vịt nuôi thả đồng nhiều, trong khi đó hệ thống kênh mương nhiều, người dân vứt xác động vật xuống nhiều nên dễ xảy ra dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, có 6 hộ xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở 4 xóm thuộc 4 xã chưa qua 21 ngày tại huyện Quỳnh Lưu. Cụ thể: xã Quỳnh Hồng (02 hộ), xã Quỳnh Bá (01 hộ), Quỳnh Hậu (02 hộ), Quỳnh Hưng (01 hộ).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch LMLM.

Nguyên nhân xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian qua, được nhận định: Các loại mầm bệnh nguy hiểm lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi; Thời tiết thay đổi chuyển mùa, mưa rét, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh.

Công tác chỉ đạo chống dịch của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Một số hộ chăn nuôi tự ý tăng đàn, tái đàn khi cơ sở chưa đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiêu hủy gia cầm bị dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Quỳnh Lưu trong thời gian qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với các ổ dịch cúm gia cầm, xảy ra chủ yếu do đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh phòng dịch.


Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Không được lơ là khi xảy ra dịch bệnh

Qua chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các điểm cầu: Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Quế Phong và các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã và đang xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nhiều đến kinh tế của người dân và nhà nước.

Thời gian tới, các địa phương phải tập trung cao độ công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Không để dịch lây lan ra diện rộng, tăng cường công tác chỉ đạo theo kịch bản chỉ đạo của tỉnh.  

Đặc biệt, các huyện tập trung công tác tiêm phòng vắc xin phòng dịch bệnh vụ Xuân cho đàn vật nuôi. 
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quy hoạch vùng chăn nuôi hợp lý nhằm quản lý môi trường và tiêm phòng dịch bệnh. 
Các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, không được lơ là khi xảy ra bệnh dịch trên đàn vật nuôi; quản lý chặt việc tăng đàn trên địa bàn, duy trì Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An./.