Ông Đặng Văn Minh: Từ đầu tháng 01/2020 đến nay, dịch bệnh CGC xảy ra tại 11 quốc gia. Riêng tại Việt Nam đang xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N6 (chưa qua 21 ngày) tại Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An.
Tại Nghệ An, trong năm 2019 dịch xảy ra 2 huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu, tiêu hủy 6.765 con gia cầm. Năm nay, từ ngày 5/2 đến 11/2, dịch xảy ra tại 4 xã của huyện Quỳnh Lưu, toàn bộ 621 con gia cầm của các hộ có dịch đã được tiêu hủy.
PV:Được biết, cúm gia cầm A/H5N6 có thể lây sang người. Vậy ông có thể nói rõ hơn về tính nguy hiểm của loại dịch bệnh này?
Việt Nam có tổng đàn gia cầm lớn với 467 triệu con, điều kiện thời tiết thay đổi, thuận lợi cho virus phát triển, lây lan. Ngoài ra, hiện tại dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại tỉnh Hồ Nam và cúm A/H5N6 tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đây là điều rất đáng lo ngại vì trong đó có một số biến chủng lây sang người, gây tử vong cao.
Đặc biệt, năm nay là năm nhuận hai tháng 4, nên dự báo thời tiết mưa phùn, ẩm ướt sẽ kéo dài, tạo thuận lợi cho CGC phát triển, lây lan mạnh. Tại Trung Quốc, năm 2018 đã từng ghi nhận có trường hợp người thiệt mạng bị nhiễm cúm A/H5N6 và trước khi bị nhiễm bệnh người này đã giết mổ gia cầm.
Thực tế, các tổ chức thú y thế giới rất quan tâm đến bệnh CGC, vì nếu có biến chủng lây từ gia cầm sang người, từ người sang người thì sẽ cực kỳ nguy hiểm, trường hợp nhiễm tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30 - 40%.
PV:Trước tình hình có thể diễn biến nguy hiểm như vậy, chúng ta đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
Ông Đặng Văn Minh: Nghệ An đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, chết đúng quy định; Lấy mẫu giám sát các hộ chăn nuôi gia cầm liền kề ổ dịch. Đồng thời cấp 2 triệu liều vắc xin CGC để các địa phương triển khai tiêm phòng ở vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; đặc biệt cấp khẩn cấp cho huyện Quỳnh Lưu tổ chức chống dịch. Đối với hóa chất khử trùng tiêu độc, ngoài số lượng thực hiện tháng khử trùng tiêu độc đợt 1 năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp thêm cho huyện Quỳnh Lưu 120 lít. Ngoài ra, vận động, khuyến khích người chăn nuôi mua vôi bột, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Tuy nhiên hiện nay trên thế giới và trong khu vực tình hình các loại dịch bệnh động vật rất phức tạp, diễn biến khó lường; nhiều loại dịch nguy hiểm xảy ra và lây từ động vật sang động vật, từ động vật sang người và ngược lại như CGC, bệnh dại... Nghệ An có tổng đàn gia cầm lớn với 25 triệu con gia cầm. Thế nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm trên 85% tổng đàn vật nuôi; mật độ chăn nuôi cao, việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh gặp nhiều khó khăn.
PV: Vậy những giải pháp cần triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Đặng Văn Minh:Khi có ổ dịch xảy ra, địa phương cần phối hợp với cơ quan thú y xử lý triệt đê ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc; tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, nhất là tại các điểm thu gom, buôn bán và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch, phòng tránh lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Các địa phương tăng cường kiểm soát các cơ sở ấp nở giống trên địa bàn, đảm bảo cung cấp con giống có nguồn gốc, sạch bệnh. Người chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương để đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi, dễ kiểm soát dịch bệnh. Chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, trong đó biện pháp cực kỳ quan trọng là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, riêng vắc xin CGC là loại vắc xin bắt buộc. Khuyến khích chăn nuôi theo hình thức cùng vào - cùng ra, để trống chuồng trại từ 21- 30 ngày để khử trùng tiêu độc trước khi nuôi lại, không nuôi nhiều lứa, nhiều loài vật cùng lúc, cùng chuồng tạo điều kiện cho việc biến đổi mầm bệnh và lây lan. Việc giết mổ gia cầm phải được thực hiện ở các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, dịch tễ.