Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều hộ sản xuất thực phẩm an toàn hiện nay. Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, việc tìm được doanh nghiệp có thể bao tiêu nông sản an toàn vốn đã khó lại còn khó hơn.
Nếu như các “vựa màu” trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Lưu, Diễn Châu hàng năm có trung bình từ 4 - 5 doanh nghiệp tham gia hợp tác, ký kết tiêu thụ nông sản, thì nay chỉ có 1 - 2 đơn vị, các huyện còn lại như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn... tìm được doanh nghiệp bao tiêu cũng là một quá trình đầy gian nan bởi việc đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra, có hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh. Tuy nhiên những nông sản, thực phẩm an toàn tại Nghệ An hiện chiếm một tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu các mặt hàng được bày bán tại các siêu thị.
Ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh cho biết: “Mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều nhưng thực tế mới đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chủ yếu là do hồ sơ pháp lý, quá nhiều sản phẩm tương đồng; nông sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả so với các tỉnh bạn...”.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đối với người nông dân trực tiếp sản xuất ra nông sản, cần tuân thủ đúng các quy trình sản xuất nông sản an toàn để tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, các đơn vị bao tiêu. Thực tế nếu làm được điều này thì đầu ra sản phẩm sẽ luôn rộng mở.
Bên cạnh việc sản xuất, bà con cũng cần chủ động áp dụng khoa học công nghệ, làm quen với các trang mạng xã hội để có thể đăng tải sản phẩm, tự chủ động tìm kiếm bạn hàng, xóa bỏ dần thói quen trông chờ ỷ lại nhà nước. Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Các địa phương cần tăng cường giao lưu, liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Khi đã ký kết được hợp đồng, chính quyền cần thực hiện tốt việc giám sát quy trình sản xuất, đặc biệt là ngăn chặn hành vi bán trốn, bán lẻ nông sản ra thị trường khi thấy được giá của một bộ phận người dân để không làm mất niềm tin đối với phía doanh nghiệp bao tiêu”.
“Với vai trò cầu nối, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương tăng cường giao lưu, liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các hội nông dân cơ sở hướng dẫn, đồng hành cùng các hợp tác xã, hộ sản xuất trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, giấy chứng nhận để có thể làm việc với các hệ thống siêu thị, các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Công việc này sẽ được chúng tôi tiến hành thường xuyên để nông sản an toàn có đầu ra bền vững và khẳng định chỗ đứng trên thị trường”.