Có mặt tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn thấy được không khí sản xuất nhộn nhịp. Chúng tôiđã được dẫn đi tham quan nhà máy, cảm nhận đầu tiên là hệ thống xử lý môi trường, tất cả đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cả khuôn viên nhà máy đều được đổ bê tông sạch sẽ, hệ thống cây xanh, cây cảnh, hoa các loại được trồng bao phủ xung quanh tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực sản xuất trông rất mát mắt.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và xác định rõ, đây là nhiệm vụ hàng đầu, trong chiến lược phát triển bền vững. Tính đến thời điểm này nhà máy đã đầu tư trên 50 tỷ đồng cho khâu xử lý bảo vệ môi trường.
Cụ thể dây chuyền xử lý môi trường liên hoàn này bao gồm hệ thống máy móc khép kín, tự động gồm 3 bể biogas rộng 3 ha, 2 hồ trung hòa, 2 hồ hiếu khí, 3 hồ lắng lọc hóa lý, 5 bể kỹ thuật xử lý, 1 hồ sinh thái sau xử lý, hệ thống cấp nước nguồn hiện đại. Tất cả được đầu tư đồng bộ nên đã giúp xử lý nước thải đạt quy chuẩn A. Nhờ hệ thống khép kín này, hầu hết nước thải sẽ được tái sản xuất cho nhà máy, một phần còn lại phục vụ tưới cho cây trồng nông nghiệp trong vùng nguyên liệu.
Đặc biệt trong năm 2020, Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn còn đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đường glucose từ tinh bột sắn. Nhà máy được đầu tư trên 10 triệu USD, dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ các nước châu Âu.
Theo các nhà chuyên môn, các tính chất vật lý, hóa học và dinh dưỡng học, đường glucose được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực công nghiệp lên men (bia, đồ uống có cồn), sản xuất bánh kẹo, đồ hộp thức ăn nhanh và những lĩnh vực khác về công nghiệp hóa chất và dược phẩm… Vì vậy, việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn đầu tư đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất đường glucose từ tinh bột sắn vừa đa dạng các sản phẩm, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho cây sắn trên địa bàn Nghệ An.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn cho biết thêm: Hiện nay nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương, mức lương ổn định từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy nộp ngân sách cho địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm. Công ty cũng đặc biệt quan tâm vùng nguyên liệu, có các chính sách thu mua thuận lợi cho người nông dân.
Vụ sắn 2020 - 2021, nhà máy thu mua sắn củ với giá khá cao, trên 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên khó khăn đặt ra hiện nay là vùng nguyên liệu sắn của Nhà máy mới chỉ có trên 3.000 ha tập trung ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Công suất chế biến mới chỉ đạt từ 60 - 70%, do thiếu nguyên liệu nên nhà máy đang phải đi thu gom từ tỉnh Sơn La và nước bạn Lào.
Ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Nhà máy đóng trên địa bàn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt làm thay đổi tư duy sản xuất, thu mua nguyên liệu sắn, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn hộ nông dân trồng sắn. Hàng năm, Nhà máy thực hiện tốt công tác phúc lợi, như trích hàng tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hoạt động từ thiện. Huyện Anh Sơn cũng đồng hành cùng nhà máy để ổn định nguồn nguyên liệu giúp nhà máy yên tâm sản xuất.