Cách đây mấy năm, nhận thấy hoa hồng là loài hoa được thị trường ưa chuộng, chị Diệu Thúy đã đi các tỉnh phía Bắc về để tìm mua các giống hồng cổ và mày mò nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống bán cây, đồng thời từ nguồn hoa nguyên liệu chị nhờ các chuyên gia hỗ trợ để chế biến thành nhiều sản phẩm làm đẹp.
Hoa hồng được chị trồng theo công nghệ sạch hoàn toàn. Xung quanh vườn được chị trồng húng quế, sả, các loại hoa dại để hạn chế sâu bọ. Bên cạnh đó, chị tìm mua các loại hồng bản địa để có sức sống cao, dễ chăm sóc để vừa cho hương thơm, vừa cho chất lượng cao.
Để có sản phẩm mới cung ứng ra thị trường, chị Thúy lập công ty để sản xuất các loại trà hoa hồng, nước hoa hồng, bột hoa hồng và hiện sản phẩm nước hoa hồng của chị bán khá chạy khi giá cả vừa phải. Chị cũng chuẩn bị dự thi sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Chị Hoàng Thị Phương ở xóm 1, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương trước đây làm kế toán ở công ty xuất khẩu ở Hà Nội. Tiếp cận với nhiều làng nghề ở Hà Nội và nhận thấy mặt hàng bánh đa nem rất tiềm năng và rộng, năm 2018 chị Phương đã về quê, mở xưởng sản xuất; nguyên liệu được chị lựa chọn kỹ càng: Gạo xay xát cẩn thận, không dùng gạo tấm, muối phải dùng muối khô trắng tinh.
Chị Phương phân khúc các dòng sản phẩm bánh đa nem, loại chuyên dùng để quấn, loại để chiên, loại quấn gỏi, loại dùng cho cả chiên và quấn gỏi.
Các sản phẩm hướng đến được nâng tầm chất lượng khác biệt với các sản phẩm trên thị trường: có vỏ bánh mềm, dẻo dai, không dùng chất bảo quản. Mặt hàng bánh đa nem vừa nâng cao kỹ thuật, có sự hỗ trợ của máy móc nên sản phẩm bánh của chị mỏng, mềm, dai khi cuốn. Các quy trình sản xuất: ngâm gạo - xay gạo - tráng bánh - phơi bánh - bóc bánh - đóng gói được thực hiện kỹ.
Chị Phương đã đưa sản phẩm bánh đa nem đi dự thi sản phẩm OCOP năm nay.
Tôm nõn là sản phẩm chủ lực của huyện Diễn Châu được đưa đi tham gia sản phẩm OCOP của tỉnh lần này, sản phẩm rất có tiềm năng tuy nhiên vẫn đang tiêu thụ nội địa. Phụ thuộc vào nguồn hải sản, năm 2020 sản phẩm gặp khó khăn về Covid-19, nên sản xuất và tiêu thụ càng khó, tuy nhiên nếu được đầu tư hỗ trợ máy móc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư nhãn mác đầy đủ hấp dẫn đưa vào tiêu thụ được các kênh tốt sẽ có cơ hội tiếp cận rộng rãi với khách hàng hơn.
Cần những sản phẩm chất lượng cao hơn
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm với sự tham gia của gần 110 sản phẩm tiêu biểu của 16 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh dự thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020.
Nhìn chung các sản phẩm tham gia dự thi đánh giá xếp hạng lần này phong phú, đa dạng về chủng loại; chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thức mẫu mã, bao bì được nâng lên rõ rệt so với năm 2019, đặc biệt có sự tham gia của các làng du lịch cộng đồng (Homestay), các sản vật gắn với bảo tồn sản phẩm truyền thống thế mạnh của địa phương như: Gừng, chè Tuyết Shan Kỳ Sơn; thịt bò giàng Tương Dương; nhút, bưởi Thanh Chương; thủy sản Quỳnh Lưu; lạc Diễn Châu…
Vẫn còn một số tồn tại khi chấm giải như: Hồ sơ một số sản phẩm thiếu một số thủ tục bắt buộc như phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm, phương án, kế hoạch kinh doanh, giấy đăng ký kinh doanh, sản phẩm mẫu. Ngoài ra một số sản phẩm thiếu một số tài liệu minh chứng, chưa thống nhất giữa tên gọi sản phẩm và công dụng ghi trên bao bì, nhãn mác còn chưa thống nhất, thậm chí còn vi phạm, thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm, kiểm soát môi trường, công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu ATTP, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, mã QR, truy xuất nguồn gốc.
Chương trình OCOP vẫn đang được triển khai mạnh mẽ và cần sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chung tay vào phát triển sản phẩm địa phương tiêu biểu. Năm nay vẫn thiếu vắng những sản phẩm chất lượng cao được đầu tư bài bản với sự hỗ trợ của KHKT mới, và vẫn còn những sản phẩm tiềm năng chưa dự thi.