Hội nghị nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng, góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, các siêu thị, các điểm giới thiệu tiêu thụ và bán sản phẩm. Đây cũng là dịp để các sở, ngành, đơn vị nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, triển khai giới thiệu và bán sản phẩm tại các địa phương.
Nghệ An hiện có có 164 làng nghề, trên 730 HTX và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng. Đối với sản phẩm OCOP, sau một năm triển khai đến nay UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019”. Theo đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao. Những sản phẩm của Nghệ An ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, được thị trường đón nhận.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, OCOP là rất thiết thực, vì thực tế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng cao, tuy nhiên, việc tiếp cận với những thị trường lớn còn hạn chế, nhất là thị trường ngoài nước. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần tăng cường đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng được biết đến rộng rãi.
Về đầu ra, đại diện BigC Vinh chia sẻ: Hiện nay các sản phẩm tiêu biểu, OCOP đã được nhập về và bày bán tại các gian hàng của siêu thị, tuy nhiên, hạn chế của các sản phẩm này là việc tem nhãn, bao bì chưa đúng theo yêu cầu. Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm còn thiếu nên lượng hàng được nhập chưa lớn.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 8 biên bản hợp tác của các đơn vị tham dự, theo đó, các doanh nghiệp, tỉnh bạn cam kết sẽ bao tiêu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, OCOP của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới./.