Đất nông thôn "đắt" khách

xay_dung_ha_tang_dau_gia_dat_o_thi_tran_yen_thanh_anh_van_truong2208088_2122020.jpegXây dựng hạ tầng đấu giá đất ở thị trấn Yên Thành, Ảnh: Văn Trường

Như mới đây, tại UBND xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, diễn ra phiên đấu gián tiếp 43 lô đất. Vùng đất này trước đây là khu sản xuất gạch ngói bỏ hoang, nay được quy hoạch để đấu giá đất, những tưởng là khó bán nhưng tại phiên đấu giá có trên 400 lượt khách hàng tham gia.Các lô đất có diện tích từ 154 m2 đến 303 m2, giá khởi điểm từ 5 - 9 triệu/m2. Tuy nhiên sau đấu giá có những lô đất trên 20 triệu/m2. Với 43 lô đất giá khởi điểm là 49,461 tỷ đồng, sau đấu giá đã lên đến 89,416 tỷ đồng (vượt hơn 39 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,78%).

Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, với giá trên 20 triệu/m2 nhiều người cũng có thể dễ dàng mua 200 m2 đất ở bám mặt đường tại các phường Trường Thi, Quang Trung, Lê Mao… TP Vinh. Còn với vị trí 200 m2 đất ở xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, nếu bỏ ra số tiền như vậy để sở hữu, sử dụng là giá quá cao. Anh Nguyễn Văn Dũng ở thị trấn Đô Lương một người tham gia đấu giá chia sẻ: “Cứ ngỡ ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá đất cầm chừng, tôi “đấu” gián tiếp giá 15 triệu đồng/m2 thế mà vẫn bị trượt”.

Đại diện UBND huyện Đô Lương cho biết thêm: Nguyên nhân đất nền nông thôn “sốt” là do khách hàng khắp nơi về mua chứ không riêng địa bàn Đô Lương (chủ yếu họ mua đầu cơ), chưa kể là một số chính sách tín dụng đã được nới lỏng.

Ngay tại điểm thị tứ, thị trấn, người dân có nhu cầu mua tăng lên để kinh doanh dịch vụ thương mại. Vì vậy, ngay tại các phiên giao dịch người trúng đấu giá có thể bán ngay tại chỗ. Nguyên nhân nữa là hạ tầng các khu đấu giá đất ở Đô Lương được đầu tư khá đồng bộ từ hệ thống đường, điện, giao thông…rất thuận tiện nên cũng thu hút người mua. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Đô Lương đấu giá đất đạt 120 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm này sẽ đạt 140 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu tỉnh giao từ 15 - 20%).

Tại địa bàn huyện Yên Thành, đất nền nông thôn cũng rất sôi động. Như tại xã Tăng Thành, Yên Thành, mới đây tổ chức phiên đấu giá trên 30 lô đất nhưng có trên 300 lượt tham gia đấu giá. Giá trị khởi điểm chỉ 500 - 600 triệu đồng/lô đất nhưng qua phiên đấu giá đã được “đẩy” lên từ 1,2 - 1,6 tỷ đồng/lô.

Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành chia sẻ: Mặc dù đất nền chỉ bám trục đường liên xóm, khó cho việc kinh doanh nhưng giá vẫn cao là do hiện nay quỹ đất ở trên địa bàn xã đã dần thu hẹp lại, cộng với nhu cầu về nơi ở ngày càng tăng.

Người dân đi mua đất tại xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Ảnh: Văn Trường

Không chỉ sôi động đấu giá đất mà các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất sau đấu giá vẫn nhiều. Ông Trần Văn Tình ở thị trấn Yên Thành cho biết: Đất mua lại sau đấu giá cũng đội giá rất cao, tôi mua lại lô đất 170 m2 ở khối 4 thị trấn Yên Thành cho con làm nhà ở riêng với giá 2,4 tỷ đồng, trong khi năm 2019 họ đấu giá chỉ có 1,9 tỷ đồng. Chưa kể là nhiều lô đất khác ở các xã hẻo lánh như Tiến Thành, Mã Thành, Quang Thành sau khi đấu giá xong cũng mua đi bán lại khá nhộn nhịp.

Theo báo cáo của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Yên Thành, mỗi ngày có khoảng từ 15 - 20 hợp đồng chuyển nhượng đất. Yên Thành trước đây vốn là điểm nóng trong đấu giá đất do tình trạng “cò” thông đồng, dìm giá. Từ khi thay đổi hình thức đấu giá từ trực tiếp, sang bỏ phiếu gián tiếp, tiền vào ngân sách tăng lên và đất đến được tay người dân có nhu cầu thực sự.

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, trong năm 2020, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện Yên Thành 140 tỷ tiền đất. Tuy nhiên, chỉ tính 11 tháng đầu năm 2020, Yên Thành đã bán được trên 280 tỷ đồng tiền đất. Được biết nguyên nhân đất tăng giá tại Yên Thành là do đời sống người dân ngày càng được nâng lên, Yên Thành có nhiều xã có số lượng lao động xuất khẩu đi các nước gửi tiền về để mua đất tích trữ. Chưa kể là hạ tầng khu đấu giá đất được đầu tư đồng bộ nên giá trị đất cũng được “đẩy” lên.

Không chỉ ở huyện Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu mà đất nền tại các xã thuộc vùng lân cận với thành phố Vinh như Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Phong, Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc) cũng tăng cao so với trước, lượng giao dịch khá nhiều.

Tiếp tục siết chặt quản lý đấu giá đất

Có thể nói rằng, việc triển khai hình thức đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp sau một thời gian triển khai bước đầu đã đem lại một số hiệu ứng tích cực như: An ninh trật tự được đảm bảo; khắc phục được tình trạng “cò mồi”, mang tính “xã hội đen” gây náo loạn ở các địa phương tổ chức đấu đất; người dân có nhu cầu mua đất thực sự đã mua được đất mình cần, góp phần làm giảm áp lực cho các địa phương.

Tỷ lệ đấu vượt so với giá khởi điểm đạt cao (trung bình tăng 20-30%), tăng thu ngân sách Nhà nước; công tác thu đơn, tổ chức đấu giá đất đơn giản, nhanh gọn hơn đấu giá trực tiếp. Qua đó, thể hiện sự quan tâm vào cuộc giải quyết những vấn đề bức xúc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo lòng tin trong nhân dân, sự công bằng, khách quan trong việc đấu giá đất trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hình thức này vẫn đang còn những bất cập, một số tổ chức đấu giá tài sản còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý một số tình huống trong quá trình tổ chức tiếp nhận hồ sơ và công bố kết quả đấu giá đất. Đa số người dân không nắm bắt được mức giá thị trường nên khó khăn trong việc xác định giá phải trả để có thể trúng đấu giá. Vấn đề bảo mật thông tin khách hàng cũng chưa đạt, bởi dù đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, song quy định hiện nay việc bán hồ sơ tham gia đấu giá, bảo mật thông tin người đăng ký tham gia đấu giá do tổ chức đấu giá chịu trách nhiệm.

Quy định người tham gia đấu giá đất phải đăng ký với đơn vị đấu giá sẽ đấu lô đất nào trước khi bỏ phiếu, điều này tạo kẽ hở để “cò đất” biết để mặc cả, dàn xếp với người mua. Những bất cập này, các ngành liên quan, đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các thể chế nhằm khắc phục các bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay.

Xây dựng hạ tầng để đấu giá đất ở Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu giá QSDĐ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung của Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước, quan hệ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động đấu giá QSDĐ để có sự chấn chỉnh kịp thời; phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người tham gia đấu giá và những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản.

Cùng với đó, chỉ đạo, giám sát các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; đăng tải thông tin cuộc đấu giá lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Bộ Tư pháp để cho các cá nhân, tổ chức có thêm thông tin đăng ký tham gia đấu giá… Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự tại các cuộc đấu giá QSDĐ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá QSDĐ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhằm công khai, minh bạch trong quá trình đấu giá, đồng thời có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị tổ chức đấu giá phải lắp đặt toàn bộ hệ thống camera an ninh trước khi tổ chức các cuộc đấu giá.

'Cò' vẫn xuất hiện trong các phiên đấu giá đất ở TX. Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Phản ánh với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại cuộc giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đại diện UBND thị xã Cửa Lò cho rằng, việc thực hiện đấu giá đất bằng hình thức trực tiếp, người không có nhu cầu mua đất cũng tham gia đấu giá đất khiến thị trường méo mó và gây lộn xộn về an ninh, trật tự.