Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Tân Xuân, xã Tân Phú có 1 ha cam có tuổi đời từ 4 đến 5 năm. Năm 2019 mặc dù mới là năm thứ 2 cho quả nhưng cây cam đã đem lại cho gia đình 200 triệu đồng. Để cam đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP, gia đình chị đã tuân thủ quy trình sản xuất sạch.
Chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ. “Gia đình toàn sử dụng phân bón hữu cơ sinh học tự làm, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt gia đình không phun thuốc hóa học mà ủ các loại như tỏi, ớt cay, cá... sau vài tháng đưa ra phun thường xuyên…”.
Cam là cây trồng truyền thống, cũng là cây trồng mũi nhọn ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ, giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.
Thực hiện chương trình OCOP, huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo chọn cam làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu trên diện tích 30 ha tại tổ hợp tác cam sạch Sông Con ở xóm Tân Xuân với sự tham gia của 25 hộ dân.
Nhờ sản xuất đảm bảo quy trình, sản phẩm đạt chất lượng nên tháng 2/2020, cam Tân Phú được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019.
Năm 2019, huyện Tân Kỳ có 4 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 2 sản phẩm là cam ở xã Tân Phú và trứng gà ở xã Nghĩa Hoàn được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, từ đó đã giúp địa phương khẳng định được thương hiệu sản phẩm.
Mô hình gà đẻ của anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh nên hiện nay trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán ra thị trường trên 2.000 quả trứng. Với giá bán mỗi quả 3.000 đồng, đem lại nguồn thu 6 triệu đồng/ngày.
Hiện nay, huyện Tân Kỳ đang lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính đặc trưng để định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP, giai đoạn 2019 - 2020 bao gồm: rượu men lá xã vùng cao Tân Hợp; rượu cần xã vùng sâu Tiên Kỳ, Đồng Văn; mật mía xã Phú Sơn, Tân Hương; mật ong xã Nghĩa Bình; cà xanh xã Giai Xuân; viên hoàn Hà thủ ô mật ong và Viên hoàn tinh bột nghệ Thiên Ân.
Để phát triển các sản phẩm, UBND huyện Tân Kỳ chú trọng tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ thiết kế nhãn mác, in ấn tem nhãn mác bao bì và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm. Ưu tiên hoàn thiện, chuẩn hóa các sản phẩm đã có, nhất là 2 sản phẩm mật mía và mật ong đã tuân thủ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2019 nhưng chưa được công nhận và tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới tại các địa phương trong toàn huyện.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã đăng ký, phấn đấu chỉ tiêu mỗi xã đến cuối năm 2020 có ít nhất một sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện một số sản phẩm đã xong truy xuất nguồn gốc, dự kiến đến cuối năm 2020, Tân Kỳ có 9 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.