bna_toan_canh_hoi_thao9942355_1962018.jpgQuang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thành Cường

Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường Quốc hội; Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành

.

Giữ vai trò đồng chủ trì hội nghị, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên gợi mở: Để đánh giá thực chất kết quả thực hiện kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành cần bám sát vào mục tiêu của Nghị quyết số 26. Đơn cử như chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Mục tiêu của Nghị quyết số 26 đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An đạt hơn từ 2.800 - 3.500 USD/người/ năm. Liệu chỉ tiêu này có đạt được không. Vì vậy các thảo luận cần bám sát thực tiễn để có sự tổng kết, đánh giá nhằm tiếp tục thực hiện thành công các chỉ số kinh tế - xã hội đã đề ra.

PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nghệ An với vai trò trung tâm Bắc miền Trung sẽ gánh vác sứ mệnh của cả vùng. Ảnh: Thành Cường
Theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến năm 2020 Nghệ An phải trở thành tỉnh khá theo hướng công nghiệp, là trung tâm khu vực Bắc miền Trung; thành phố Vinh là trung tâm kinh tế - văn hóa của cả vùng. Chính vì vậy, Nghệ An có sứ mệnh tạo động lực, tháo gỡ khó khăn cho cả khu vực phát triển. Nghệ An là tỉnh có một Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, vì vậy tỉnh cần đề nghị Chính phủ có một chính sách mang tính chiến lược có ý nghĩa tác động, nâng đỡ cả vùng.

Ngày 30/7/2013 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Mục tiêu của nghị quyết là phấn  đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 cho thấy, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2014-2018 tăng bình quân 8,0% (so với mục tiêu của Nghị quyết 26 đến năm 2020 đạt 9,0 - 10,0%).  GRDP bình quân đầu người tăng khá: năm 2013 đạt 24,17 triệu đồng/người, năm 2017 đạt 34,14 triệu đồng, dự tính năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người, gấp 1,57 lần so với năm 2013. Thu ngân sách trên địa bàn tăng đều hàng năm; năm 2013 tổng thu ngân sách là 8.065,3 tỷ đồng, năm 2017 là 12.959 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 là 13.500 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với năm 2013.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 27,76% năm 2013 lên 31,39% năm 2017 và năm 2018 dự kiến đạt 33,35%. Khu vực nông-lâm-ngư-nghiệp giảm từ 25,03% năm 2013 xuống 21,79% năm 2017; Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 47,21% năm 2013, năm 2017 là 46,82%. 
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường
 Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An trong những năm qua liên tục tăng hạng: năm 2013 xếp hạng thứ 46, đến năm 2017 đã vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ - là vị trí cao nhất từ trước đến nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14-15%/năm, quy mô vốn đăng ký bình quân đạt 5,01 tỷ đồng/1doanh nghiệp. Giai đoạn 2014-2018 tỉnh đã thu hút được 541 dự án với tổng vốn đầu tư 179.743 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 31 chương trình, dự án ODA/tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.

Một trong những nội dung của Nghị quyết 26 NQ-TW là xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng chí Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của TP. Vinh đạt 8,63%. Tổng giá trị gia tăng theo giá hiện hành tăng 17,38%/năm, chiếm khoảng 24,6% tổng giá trị gia tăng của tỉnh/mục tiêu 39-41% của tỉnh. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2017 đạt 76,79 triệu đồng, cao gấp 2,25 lần so với mức bình quân của tỉnh.

Tỉnh Nghệ An đã phối hợp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phối hợp tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành những vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết 26.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận những kết quả mà Nghệ An đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Đó là Nghị quyết đã góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh. Tuy nhiên một số đại biểu cũng nêu một số vấn đề tỉnh cần quan tâm có giải pháp tháo gỡ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Đồng ý với một số nội dung của báo cáo sơ kết, nhưng nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển cũng bày tỏ lo lắng về một số chỉ tiêu của Nghị quyết đưa ra khó thực hiện. Đơn cử như chỉ tiêu thu nhập bình quân. Tính đến năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của cả nước mới đạt  hơn 2.300 USD/người/năm. Trong khi Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế Nghệ An đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt mức hơn 2.800 - 3.500 USD/người/năm. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao những người con Nghệ An đi ra ngoài đều thành đạt mà trở về không thể thành đạt. Điều này dứt khoát là do môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh muốn tăng tốc kinh tế nhất thiết phải tăng năng suất lao động nội ngành và tăng năng suất lao động từ vùng thấp sang vùng cao.

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, những kết quả đạt được của Nghệ An rất đáng mừng, có những mục tiêu vượt xa kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, chương trình nông thôn mới, dịch vụ thương mại... Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng gợi ý một số giải pháp góp phần xây dựng và phát triển địa phương. Trong đó chú trọng vào 2 giải pháp huy động nguồn lực là kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của người quê Nghệ An về đầu tư cho quê hương và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của đông đảo nhà trí thức, nhà khoa học, chuyên gia người Nghệ từ khắp nơi trong cả nước hiến kế giúp đỡ quê hương. Ông Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng, với tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, tỉnh nên ưu tiên hướng sản xuất nông nghiệp sạch trên cơ sở công nghệ cao, hiệu quả cao.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An. Đó là các nội dung về nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thu hút đầu tư, giáo dục,... Bên cạnh đó, để tạo sự chuyển biến nhanh trong đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đại biểu cũng đề xuất thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, với những kết quả đã đạt được thông qua thực hiện Nghị quyết số 26, BTV Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để thu thập, lắng nghe ý kiến các chuyên gia nhằm kịp thời bổ sung nhóm giải pháp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 là hoạt động tổng kết thực tiễn, vì vậy để đánh giá đúng thực chất kết quả của Nghị quyết sau một giai đoạn, cần có sự đối chiếu với thực tiễn. Đặc biệt đối chiếu khảo sát, nghiên cứu tại các khu vực dân cư như: vùng núi, khu vực dân tộc, đô thị... Việc khảo sát, đánh giá tốt giữa nghị quyết và thực tiễn sẽ phản ánh đầy đủ hơn bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng nhờ vậy báo cáo sẽ có sự tương tác nhiều chiều. Nghị quyết đề cập nội dung gì thì phải bám sát vào nội dung đó để có sự đánh giá chính xác, cụ thể.
Đề cập đến các vùng kinh tế của tỉnh nêu trong báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, Nghệ An có các vùng trọng điểm kinh tế để đầu tư về mặt chiến lược, trong đó có Khu kinh tế Đông Nam, khu vực thành phố Vinh và phụ cận, khu vực phía Bắc Nghệ An gắn với Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi. Cần phải xem xét xu thế vận động và mức độ phát triển của các khu vực này để có các quyết sách hợp lý cũng như làm rõ trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết...
Đồng ý với quan điểm này, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ cho công tác đánh giá, tổng kết thực tiễn. Theo đó các ban, ngành tiếp tục rà soát các chỉ tiêu của Nghị quyết số 26 để hoàn thiện báo cáo trước ngày 15/7.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đã tham dự hội nghị thảo luận, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đã có các ý kiến quý báu đóng góp để xây dựng Nghệ An ngày càng phát triển vững mạnh.