Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An cũng đã ghi lại ý kiến của các nhà trường:
Cô giáo Nguyễn Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen – thành phố Vinh
Khi nhận được quyết định đón trẻ trở lại vào ngày 4/5, chúng tôi rất vui và trong những ngày qua đã triển khai nhiều hoạt động để nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.
Chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều phương án đón trẻ, trong đó dự kiến sẽ đón trẻ tại cổng trường để đảm bảo giãn cách. Nhưng, trong quá trình thực hiện đang có những khó khăn như với trẻ 3,4,5 tuổi các cháu có ý thức và phối hợp với cô giáo khá tốt. Nhưng với trẻ từ 24 - 36 tháng, do trẻ đã nghỉ ở nhà hơn 3 tháng nên để các cháu trở lại với nếp sinh hoạt của nhà trường là rất vất vả. Chúng tôi đang lo ngại, hiện mỗi lớp chỉ có 2 cô và 1 cô phải đón trẻ ở cổng thì cô giáo còn lại ở trong lớp rất khó khăn để có thể chăm sóc một lúc 20 - 30 cháu.
Việc giãn cách với học sinh mầm non cũng khá nan giải bởi các cháu còn quá nhỏ, chưa ý thức được việc phòng, chống dịch bệnh. Trong quá trình học và ra chơi, với độ tuổi các cháu không tránh được việc “ôm vai bá cổ”, chơi cùng nhau.
Hay như việc ăn, ngủ bán trú, để giãn cách cho trẻ rất khó. Tạm thời, chúng tôi sẽ sử dụng cả phòng học và phòng ngủ để sắp xếp lại giường ngủ cho các cháu nhằm thực hiện giãn cách đúng theo quy định.
Clip: Đức Anh - Mỹ Hà |
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Lĩnh - Nam Đàn:
Để đón học sinh trở lại trường, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc công văn hướng dẫn của các cấp, đặc biệt là Quyết định 285 của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tiêu chí về trường học an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong bộ tiêu chí có nhiệm vụ quan trọng là giãn cách học sinh và hiện tại chúng tôi sẽ bố trí khối 3,4,5 học buổi sáng và khối 1,2 học buổi chiều. Như vậy số lượng học sinh sẽ giãn trên sân trường. Trong phòng học, chúng tôi tận dụng tối đa không gian để giãn cách bàn ghế và tối thiểu là 2 em cách nhau 1m.
Tuy vậy, do phòng học không được rộng, do đó việc giãn cách bàn ghế trên sỷ số học sinh/lớp đang gặp nhiều khó khăn và nếu được như yêu cầu trên 1m thì phải chia lớp. Nhưng với phương án này thì việc bố trí giáo viên tăng tiết, thừa tiết sẽ gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ. Trước mắt chúng tôi chỉ cố gắng giãn cách bàn ghế trong phòng và giữ nguyên lớp.
Clip: Đức Anh - Mỹ Hà |
Thầy giáo Lê Tuấn Anh - Giáo viên dạy Thể dục, Trường THCS Nam Lĩnh - Nam Đàn
Tuần đầu tiên đi học và thực hiện theo Chỉ thị 19 của Chính phủ về giãn cách học sinh, trường chúng tôi đã thực hiện giãn cách theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, với bộ môn của tôi để thực hiện giãn cách cho học sinh là điều khó khăn. Như hiện tại chúng tôi đang thực hiện 3 bộ môn là nhảy, ném bóng và chạy bền thì cả 3 môn này sau phần hồi tỉnh đều phải cho học sinh ngồi nghỉ và lúc này nếu thực hiện giãn cách rất khó. Thực tế, đặc thù của bộ môn thể dục không thể thực hiện giãn cách học sinh từ đầu đến cuối buổi học dù rằng chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các em.
Trước những nảy sinh này, chúng tôi cũng thực sự lo lắng nhưng thể dục là môn ngoài trời, môn đông người thì rất khó và không thể tách học sinh rời ra. Điều này, cũng giống như những môn học cần học nhóm thì các em phải học nhóm. Vì thế, theo tôi để giãn cách thì chỉ hạn chế được mức tối đa chứ không thể tuyệt đối theo đúng như quy định.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách - Thanh Chương:
Thực hiện 10 tiêu chí của Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi tự đánh giá trường đã làm tốt 9 tiêu chí. Còn lại, một tiêu chí chúng tôi thấy khá khó, đó là tiêu chí về giãn cách.
Hiện nay, trường chúng tôi có 5 lớp trên 40 em, trong đó có lớp 45 em thì chúng tôi đã bố trí cho các em học ở phòng hội đồng. Còn lại, các lớp khác vẫn học như cũ và trường đang chia học sinh thành 2 ca để giãn học sinh trong từng buổi.
Với những phương án mà ngành giáo dục đã đưa ra, tôi thấy phương án tăng thêm bàn ghế trong từng lớp học là phù hợp. Nhưng, điều này chỉ phù hợp với lớp dưới 40 em. Còn lớp trên 40 em thì khó đạt vì trung bình mỗi phòng học chỉ đặt được 12 bộ bàn ghế. Còn nếu chia lớp thì điều này rất phức tạp bởi thiếu giáo viên và còn liên quan đến chế độ cho giáo viên khi dạy vượt tiết. Thực tế, nếu động viên giáo viên thì mọi người có thể hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Clip: Đức Anh - Mỹ Hà |
Trước đó, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Để giãn cách học sinh, các trường có thể thành lập những lớp mới bằng cách chia đôi sỷ số. Nhưng, điều này sẽ dẫn đến những tâm lý cả về học sinh và phụ huynh.
Bên cạnh đó, cũng gặp những khó khăn như phải thành lập các sổ điểm theo dõi và đánh giá mới và sau đó chuyển về lớp cũ khi kết thúc năm học. Ngoài ra, việc phân lớp, thành lập lớp mới theo khối ở bậc THPT khá dích dắc vì học sinh học không đồng đều giữa các khối.
Khó khăn nhất là về kinh phí bởi theo tính toán, nếu mỗi huyện trung bình phân lớp thì riêng phần chi trả nội bộ cho giáo viên là 20 triệu đồng/huyện. Điều đó, có nghĩa số tiền chi trả mỗi một ngày trên toàn tỉnh là trên 500 triệu đồng (nếu tính cả các trường THPT) và nếu kéo dài đến giữa tháng 7 là khoảng 30 tỷ đồng. Trong khi đó, với điều kiện khó khăn hiện nay của nhà nước thì không có kinh phí để cấp bù. Hiện chúng tôi đang kêu gọi toàn ngành, trong thời điểm chống dịch thì “mỗi người phải làm việc bằng 2”, trên tinh thần vì cộng đồng.