Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 188 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp…
Qua tìm hiểu cho thấy, KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng cao hơn. Những năm qua, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ lĩnh vực KHCN đối với sản xuất các sản phẩm OCOP. Đó là chuyển giao các tiến bộ KHTK cho các sản phẩm trong việc trồng trọt, chế biến, đóng gói sản phẩm.
Sản phẩm trà dược liệu của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông) hiện có 7 sản phẩm đạt “4 sao” OCOP. Theo chia sẻ của ông Phan Xuân Diện - Giám đốc công ty: Để các sản phẩm OCOP của đơn vị khẳng định được “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng; thời gian qua, công ty không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đó là, toàn bộ diện tích trồng cây nguyên liệu được áp dụng công nghệ từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế.
Điển hình như, nguyên liệu sau khi thu hoạch, được sấy khô trong 2 hệ thống máy sấy bơm nhiệt, máy sấy hơi bảo hòa để giảm thiểu tối đa phơi dược liệu ngoài trời, ảnh hưởng đến vệ sinh ATTP. Việc chế biến sản phẩm cũng được cải tiến, đa dạng về mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.
“Sản phẩm OCOP bắt buộc phải áp dụng KHCN vào chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã và giảm sức lao động. Chính vì thế, những năm qua nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất, nên 7 sản phẩm đạt “4 sao” OCOP cấp tỉnh luôn đảm bảo chất lượng, mẫu mã bao bì ngày càng đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.
Ông Lương Duy Dũng - Giám đốc Công ty CP Sinh học An Hà, cho biết: Công ty đã đưa máy móc, trang thiết bị vào tất cả các khâu trong sản xuất, vì vậy, sản lượng nấm của đơn vị ngày càng cao, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Không ngừng đổi nới công nghệ
Chị Võ Ngọc Anh - chủ cơ sở sản xuất bún ngũ cốc dinh dưỡng trên địa bàn xã Sơn Thành (Yên Thành) chia sẻ: Một trong những yếu tố tiên quyết để các sản phẩm đạt sao OCOP là chất lượng và mẫu mã. Nếu các cơ sở sản xuất không đổi mới công nghệ thì không thể cạnh tranh được trên thị trường. Với suy nghĩ đó, cơ sở của chị Ngọc Anh đã đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt các loại máy như: máy nghiền, bồn chứa bột, máy vắt ly tâm, máy vắt bột, máy đùn bún... Nhờ đó, năng suất bún ngày càng tăng, sản phẩm đẹp và đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hay như Công ty CP Sinh học An Hà (Tân Kỳ) đã ứng dụng công nghệ từ khi đi vào hoạt động đến nay đã hơn 10 năm, nên dây chuyền máy móc đã lạc hậu, ảnh hưởng đến năng suất và chi phí cao. Vì vậy, để nâng hạng sao OCOP cho sản phẩm nấm sò, việc cần phải làm là không ngừng hiện đại hóa công nghệ từ máy trộn nguyên liệu, máy đóng bịch, hấp bịch… nhằm giảm sức lao động và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. “Khoa học công nghệ thay đổi thường xuyên, vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên đổi mới, nâng cấp máy móc trang thiết bị thì mới cạnh tranh được với thị trường, không bị bỏ lại phía sau.
Những năm qua, việc ứng dụng KHCNlà xu thế và giải pháp hữu hiệu được các chủ thể kinh tế ở khu vực miền núi quan tâm thực hiện, qua đó góp phần nâng tầm các sản phẩm OCOP trên thị trường.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: Thực hiện quy củ từ xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ công nghệ, khắc phục các “nút thắt”, nhược điểm; tới quyền sở hữu trí tuệ, tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... là các kết quả nổi bật trong việc ứng dụng KHCN trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối các nhà, hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng; đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Cùng đó, phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch... góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường... Việc ứng dụng KHCN đã góp phần tạo nên thương hiệu, nâng cao chất lượng của sản phẩm OCOP, được thị trường nhìn nhận, đánh giá cao.
Để các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nâng được hạng sao thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần phải không ngừng ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì.
Đạt được sao OCOP đã khó, nâng cao chất lượng để nâng sao lên còn khó hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là chủ thể của sản phẩm OCOP cần xác định rõ khâu quan trọng hàng đầu là không ngừng đổi mới công nghệ trên các dây chuyền sản xuất, từ đó mẫu mã, bao bì sẽ được đổi mới, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường.