"Nóng" quyết tâm
Hè năm 2021, cô giáo Nguyễn Thị Lương được hiệu trưởng nhà trường khuyến khích đi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh dành cho bậc học tiểu học. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục Nghệ An triển khai cuộc thi này nhưng với ngành giáo dục Diễn Châu đã từng được tổ chức từ hơn 5 năm trước. Thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cô giáo Nguyễn Thị Lương cũng chưa hình dung ra những khó khăn của năm học này. Nhưng vốn đã có kinh nghiệm từ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện chị đã không ngần ngại mà gật đầu. Từ đó, đến khi cuộc thi chính thức diễn ra chị có gần 8 tháng để chuẩn bị và đó cũng là quãng thời gian “dư dả” để chị ấp ủ nhiều ý tưởng cho bài thi của mình.
Sau 10 năm, cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh dành cho giáo viên chủ nhiệm cũng là lần khởi động thứ 2 của cô giáo Nguyễn Thị Lương. Vốn đã có thành tích nên khi trở lại với cuộc thi này, một số đồng nghiệp của chị cũng thắc mắc, hỏi chị không ngại “vất vả”, nếu trượt có thể phải làm lại từ đầu. Ngược lại, từ khi quyết định tham gia cuộc thi này, cô giáo Nguyễn Thị Lương lại thấy “sôi sục”, “nóng trong người” và một cảm giác rất khó để định nghĩa. Nhưng hơn tất cả, chị muốn thông qua cuộc thi này để thử sức mình và được một tham gia một sân chơi mới với các đồng nghiệp trên toàn tỉnh.
Với một quan điểm như vậy nên cô giáo Nguyễn Thị Lương bước vào cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh bằng một tâm thế tự tin và tinh thần khá thoải mái. Với kinh nghiệm hơn 25 năm đứng trên bục giảng, chị cũng dành mọi tâm huyết cho cuộc thi này và dành mọi tâm huyết để lên ý tưởng, xây dựng nội dung và đưa ra nhiều tình huống để triển khai bài giảng. Trong hai phần thi của cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh, chị cũng cho biết, phần thi Biện pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp là phần thi tưởng “dễ” bởi giáo viên có thời gian chuẩn bị từ trước. Nhưng đây lại là phần thi chị dành nhiều thời gian để triển khai từ chính kinh nghiệm trong thực tế giảng dạy của mình.
Tội chọn đề tài Hình thành năng lực phẩm chất và phát huy tính tích cực của học sinh thông qua tiết Giáo dục tập thể bởi đây là 1 trong 2 tiết học ngoại khóa ở trường.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay ở nhiều trường học chúng ta chưa thật chú trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, chỉ dạy qua loa, hời hợt nên tiết Giáo dục tập thể trở nên khô cứng, lặp đi lặp lại, hình thức tổ chức đơn điệu, nhàm chán, không gây hứng thú với học sinh bởi các em không được cùng nhau tổ chức, tham gia vào giờ giáo dục tập thể lớp.
Cũng với thực trạng trên, trong phần trình bày của mình cô giáo Nguyễn Thị Lương đã xây dựng những tiết giáo dục tập thể theo từng chủ đề, chủ điểm của từng tuần, từng tháng. Trong quá trình triển khai chị lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng tiết nhằm tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội tham gia trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham gia biểu diễn văn nghệ, đố vui, thi vẽ tranh, trò chơi dân gian như ô ăn quan, lò cò, đánh đũa, rồng rắn lên mây, nhảy sạp… để tạo sự hào hứng, tham gia tích cực các hoạt động học tập. Thông qua các hoạt động dạy học đã hình thành các năng lực phẩm chất, phát huy tối đa tính tích cực cho học sinh và biến tiết sinh hoạt cuối tuần thành một buổi sinh hoạt ngoại khóa thú vị.
Bước sang phần thi thứ 2 với việc triển khai tiết dạy có chủ đề “Sống để yêu thương”. Chia sẻ về điều này, chị nói thêm: Việc tổ chức các tiết dạy theo chủ đề, chủ điểm vẫn thường được tổ chức trong các nhà trường nhưng trước đây các chủ đề thường gắn với các ngày lễ và các sự kiện văn hóa, xã hội. Trong khi đó, chủ đề mà tôi bắt thăm được khá trừu tượng và đòi hỏi giáo viên phải làm sao nêu bật được vấn đề và có những hoạt động để học sinh thấy được ý nghĩa của chủ đề bài học.
Ở phần thi thứ 2 này cô giáo Nguyễn Thị Lương chia sẻ chị gặp một số khó khăn bởi từ khi bốc thăm đề tài đến khi tổ chức tiết dạy chính thức chị chỉ có hơn 1 ngày chuẩn bị và làm quen với học sinh ở Trường Tiểu học Diễn Thịnh.
Thời điểm đó, học sinh ở huyện Diễn Châu mới đi học trực tiếp trở lại sau nhiều tháng phải học trực tuyến nên nhiều học sinh vẫn chưa quen với nề nếp sinh hoạt. Chưa kể, đây cũng là một tiết học mà giáo viên phải vận dụng rất nhiều kỹ năng, ngoài chuyên môn còn phải bao quát điều hành được lớp học trong bối cảnh lớp vừa dạy học trực tuyến nhưng vẫn phải livetream cho5 học sinh F0 khác đang phải học qua zoom từ nhà.
Trong quá trình dạy học, điều chị vui là từ một clip mà chị chia sẻ về những câu chuyện thường ngày trong gia đình học sinh đã cảm nhận được sự yêu thương, sẻ chia và từ đó chị dễ dàng gói vấn đề và giúp các em cảm nhận được trọn vẹn chủ đề “Sống là để yêu thương”. Vui hơn nữa là trong quá trình dạy học, có thời điểm việc truyền phát tín hiệu từ máy tính không ổn định nhưng chị đã kịp thời xử lý và giúp học sinh dù ở nhà vẫn cảm nhận được một tiết học sôi nổi, hào hứng và các em được tham gia đầy đủ như tất cả các bạn học trong lớp.
Tin yêu và trọn vẹn với nghề
Sau hai phần thi quan trọng này, cô giáo Nguyễn Thị Lương đổ bệnh và chị nhận được kết quả “điểm cao” khi vẫn đang dưỡng bệnh tại nhà. Nhận được kết quả “thủ khoa”, ban đầu chị không tin bởi chị biết so với nhiều đồng nghiệp trẻ, những giáo viên U50 như các chị không tránh được sự tụt hậu. Trong khi đó, với nhiều đồng nghiệp khác lớn tuổi hơn có thể chị vẫn còn thua kém về kinh nghiệm và những trải nghiệm sống.
Giải thưởng đã đem đến cho chị một động lực lớn và điều này càng củng cố hơn nữa cho chị niềm tin yêu với nghề, với công việc giản dị “gõ đầu trẻ” ở trường làng. Cô giáo Nguyễn Thị Lương cũng cho biết, hai vợ chồng chị cùng tốt nghiệp Trường sư phạm miền núi, cùng về nhận công tác tại Trường Tiểu học Diễn Yên từ năm 1999. Những ngày đầu tiên cuộc sống của hai vợ chồng nhà giáo trẻ gặp nhiều khó khăn vì nhà xa, con nhỏ.
Trong khi đó, hai vợ chồng chị phải mất gần 10 năm mới vào được biên chế và những ngày đầu mức lương chỉ có từ 200.000 – 500.000 đồng/tháng. Điều đáng nói là dù điều kiện rất nhiều khó khăn nhưng trong quãng thời gian đằng đẵng để được vào chính thức đó chị và chồng chưa một ngày nghĩ đến việc chuyển nghề hoặc làm thêm một công việc khác bởi anh chị đơn giản “chỉ muốn dành mọi tâm huyết cho nghề và dành trọn tình cảm yêu thương cho học trò”.
Từ một cô giáo trẻ mới ra trường, sau hơn 25 năm gắn bó với ngôi trường Tiểu học Diễn Yên cô giáo Nguyễn Thị Lương đã ngày càng khẳng định mình cả trong công tác chuyên môn và trong các hoạt động khác. Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi của huyện, của tỉnh chị cũng đã nhiều lần được trao tặng các danh hiệu như Bằng khen của UBND tỉnh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2020, chị cũng vinh dự được tham dự điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015 – 2020. Ở trường, chị cũng là một giáo viên được đồng nghiệp tin yêu, trân trọng, được phụ huynh và học sinh tin tưởng.
Cô giáo Nguyễn Thị Lương cũng tâm sự: Hơn 20 năm làm nghề, điều mà tôi thấy hạnh phúc nhất đó là được bà con địa phương yêu thương, quý mến, có lớp lớp học trò dẫu đi xa nhưng những ngày lễ, tết vẫn nhớ về cô giáo chủ nhiệm. Tình cảm của bà con đã níu chân tôi lại với ngôi trường này và giúp tôi có được thành công như ngày hôm này.
Trong hơn hai thập kỷ làm giáo viên, phần lớn thời gian cô giáo Nguyễn Thị Lương đều giữ vai trò chủ nhiệm lớp. Với chị, đây là một công việc rất đặc thù bởi ngoài truyền dạy kiến thức, người giáo viên chủ nhiệm phải là người cha, người mẹ, người bạn để có thể kết nối và chia sẻ với học trò. Hơn thế, người giáo viên chủ nhiệm cũng phải là người thực sự tâm huyết, yêu nghề, yêu người và có tình người để thực hiện được trọng trách cao cả là “dạy học sinh làm người, thành một công dân có ích cho xã hội”.
Cô giáo Nguyễn Thị Lương là một trong những giáo viên gắn bó lâu nhất ở Trường Tiểu học Diễn Yên. Trong công việc, chị là tổ phó tổ chuyên môn, đầu tàu gương mẫu, là một giáo viên rất nhiệt tình, trách nhiệm, một người rất say sưa với công việc
Sự gương mẫu và nhiệt hiệt của cô đã lan tỏa trong tập thể nhà trường và góp phần và tạo nên phong trào dạy tốt học tốt ở trường chúng tôi với nhiều giáo viên đạt giải cao tại các Kỳ thi giáo viên giỏi.