“TỐT GỖ” CẦN “TỐT CẢ NƯỚC SƠN”

bna_san_xuat_den_long_tai_cong_ty_duc_phong6922010_2932022.jpgMột khâu sản xuất đèn lồng tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thanh Phúc

Là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng cấp 5 sao và đang trình cấp Trung ương xem xét, phê duyệt công nhận sản phẩm đạt OCOP cấp quốc gia, Công ty TNHH Đức Phong (KCN Nghi Phú, TP.Vinh) ngoài chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì rất chú trọng đến bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm.

Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: “Các sản phẩm của công ty phần lớn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây. Thị trường chủ yếu ở nước ngoài nên các sản phẩm đòi hỏi phải có chất lượng đạt chuẩn, phải đầy đủ tem, nhãn, mã QR… theo đúng chuẩn quy định. Đặc biệt, riêng đối với các sản phẩm được gắn sao OCOP thì chúng tôi đã đầu tư thêm việc nhán dãn OCOP, đây cũng là một cách để chúng tôi quảng bá chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm, coi đó như là “tấm vé thông hành” để sản phẩm khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay, công ty vừa song song xuất khẩu, vừa đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước”.

Sản phẩm đèn lồng của Công ty TNHH Đức Phong đang được trình công nhận đạt chuẩn OCOP Quốc gia (5 sao). Ảnh: Thanh Phúc

Sản phẩm bánh đa Lương Sơn của Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn (xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương) được công nhận 3 sao OCOP năm 2020. Sau khi được “gắn sao”, anh Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc công ty đã rất trăn trở để xây dựng nhãn hiệu, đầu tư mẫu mã, bao bì cho sản phẩm bánh đa. Bởi anh xác định rõ, khi đã được “gắn sao” thì ngoài chất lượng đã được công nhận thì sản phẩm cũng phải có cái gì đó khác biệt, xứng tầm, tạo dựng được thương hiệu chứ không thể “đánh đồng” với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Sản phẩm bánh đa Lương Sơn đạt 3 sao OCOP đã có mặt tại các siêu thị nhờ được đầu tư mẫu mã, tem nhãn hợp chuẩn. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, muốn vào siêu thị, vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, để người tiêu dùng biết đến bánh đa Lương Sơn thì ít nhất cũng phải có tên, có địa chỉ, có tem để truy xuất nguồn gốc. Nắm được tầm quan trọng đó của việc xây dựng thương hiệu, tem nhãn, anh Phương đã lên ý tưởng thiết kế lô-gô, bỏ kinh phí in bao bì, nhãn mác, xin cấp mã vạch… Bánh đa Lương Sơn được đóng gói bằng một lớp bóng kính, có hộp giấy đẹp và tem nhãn ghi đầy đủ thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, nơi sản xuất… Chính điều này, tạo nên thương hiệu, uy tín cho sản phẩm.

Anh Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn cho biết: “1 hộp 10 chiếc bánh đa có giá trị chỉ 30.000-35.000 đồng, chi phí cho bao bì, nhãn mác đã 3.000 đồng, chi phí tăng thì lợi nhuận giảm, trong khi mình không thể tăng giá bánh lên cao được. Nhưng đổi lại, nhờ có bao bì, nhãn mác mà thương hiệu bánh đa Lương Sơn được nhiều người biết đến, sản phẩm đã vào được hệ thống các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch. Nhiều người mua hay được biếu một lần, thấy bánh ngon đã tìm đến địa chỉ, số điện thoại trên bao bì để đặt hàng.

Nhờ đó, sản phẩm bánh đa Lương Sơn “có tiếng” khắp cả nước và xuất khẩu sang Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Nhật Bản. Hiện công ty đã liên kết được với 2.000 đại lý lớn, nhỏ, 350 cộng tác viên trên cả nước, tiêu thụ ổn định khoảng 1.300.000 sản phẩm/năm, doanh thu 2,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động”.

Nhiều chủ thể sản xuất quy mô nhỏ song cũng đã quan tâm đến vấn đề nhãn mác cho sản phẩm. Ảnh: Thanh Phúc

Trong khi những chủ thể sản xuất lớn, quy mô, xuất khẩu đầu tư bao bì, nhãn mác được thực hiện một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp thì hiện nay, rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, bán lẻ là chủ yếu nhưng cũng đã chú ý đến việc đầu tư tem nhãn cho sản phẩm. Bởi họ ý thức được rằng, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm; hơn nữa, việc dán tem nhãn cũng là cách để mình quảng bá sản phẩm, kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất. 

Đánh giá về vai trò của việc xây dựng nhãn hiệu, tem, mác, bao bì trong việc xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, nhất là việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

“Tính đến nay, toàn tỉnh có 31 đối tượng được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, trong đó, phần lớn là các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này có nhãn mác, bao bì đẹp, bước đầu tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, giá bán tăng từ 10-30%, lợi nhuận tăng và đã tìm được chỗ đứng tại các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn và xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Cảnh Nhạc - Phó Giám đốc Sở KH&CN 

ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Sản phẩm ổi lê Đài Loan và thanh long ruột đỏ của trang trại hữu cơ Từ Hạnh được công nhận 3 sao OCOP song chỉ được dán tem khi tham gia hội chợ, hội thảo hoặc khách hàng có yêu cầu. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù hiệu quả thấy rõ, song thực tế hiện nay, rất nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác. Bởi không chỉ tốn kém thêm kinh phí để in bao bì, tem, nhãn, mã vạch mà việc đóng gói, dán tem nhãn cũng tốn thời gian, nhân công. Trong khi đó, sản phẩm của họ vẫn chủ yếu là bán lẻ trên thị trường.

Ông Đàm Duy Từ (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) chủ thể của 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP là thanh long ruột đỏ và ổi cho biết: “Thực ra, tôi chỉ dán nhãn khi tham gia các hội chợ, hội thảo, các đợt xúc tiến thương mại và theo yêu cầu của khách. Bởi 1 kg ổi, khi dán nhãn sẽ tốn thêm 2.000 đồng/kg, chiếm 1/2 lợi nhuận, trong khi đó, nếu chênh giá bán thêm 2.000 đồng/kg thì khách sẽ không chấp nhận”.

Còn nếu bán lẻ ở chợ thì không được dán tem nhãn vì sẽ làm đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Từ còn cho biết, mặc dù dán tem, nhãn sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm ổi, thanh long hữu cơ của ông với các sản phẩm trôi nổi khác trên thị trường, song hiện tại ông phải cạnh tranh về giá cả nên chưa thể đầu tư thêm cho tem nhãn.

Việc dán tem, bao bì, nhãn mác sẽ làm “đội” chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm khiến phần lợi nhuận giảm sút.

Trong khi, các sản phẩm OCOP hiện nay đang phải cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường rất gay gắt, nhất là về giá cả. Do đó, việc đầu tư chi phí để các sản phẩm OCOP được “khoác áo” vẫn chưa được các chủ thể sản xuất quan tâm. Một hạn chế khác, đó là nhiều chủ thể sản xuất đã chú ý đến việc “mặc áo” cho sản phẩm, song mới chỉ dừng lại ở việc “làm cho có”; bao bì, tem nhãn chưa có đầu tư, chưa thể hiện được đặc trưng riêng và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại.

Sản phẩm cá thu nướng Cửa Lò được đóng gói hút chân không, bao bì, nhãn mác hợp chuẩn. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Võ Văn Lý - Trưởng phòng Kinh tế (TX.Cửa Lò) cho biết: “Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn thị xã đã có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 10 sản phẩm đó đều đã được bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, thị xã còn hỗ trợ 1 sản phẩm chế biến được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu là 10 triệu đồng. Mục tiêu đến năm 2025 có 70-80% sản phẩm của các làng nghề phải có tem nhãn. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có nhãn mác đạt chuẩn thì nhiều sản phẩm bao bì, nhãn mác đã có nhưng mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt".

Ngoài chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, Thị xã Cửa Lò còn hỗ trợ 1 sản phẩm chế biến được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu là 10 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Đây cũng là hạn chế chung về mặt bao bì, nhãn mác của các sản phẩm OCOP hiện nay. Để khắc phục nhược điểm đó, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã ban hành công văn hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các chủ thể kinh tế tiếp tục hoàn thiện nâng cấp sản phẩm, trong đó, chú trọng đến khâu thiết kế lại bao bì, nhãn mác. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế trong khâu thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác nhằm hoàn thiện hơn nữa bao bì, nhãn mác của sản phẩm.

Hầu hết các tem nhãn, logo chưa được đầu tư, chưa mang tính thương mại cao, chưa thể hiện đặc trưng riêng của sản phẩm. Ảnh: Thanh Phúc
Để tiếp sức cho các chủ thể sản xuất OCOP đầu tư vào nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND về “Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025”, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, hỗ trợ 50% chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, nhãn mác hàng hóa nhưng không quá 50 triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao.

Mỗi sản phẩm OCOP cần được “định danh” bằng chính chất lượng, nhãn hiệu, bao bì, tem mác… là yếu tố cần và đủ nhằm tiến đến “số hóa”, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP.