Tận tâm với nông thôn mới
Giờ đây nhìn những đường làng, ngõ bản xanh sạch đẹp, khang trang với điện đèn sáng trưng, hoa tươi, cây xanh ngay hàng thẳng lối, chị Trương Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Sợi Dưới (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) vẫn còn nhớ những ngày đêm kiên trì “đi từ ngõ, gõ từng nhà” vận động, thuyết phục người dân hiến đất, góp công, góp của làm đường và các công trình như sân bóng, nhà văn hóa xóm; vận động hội viên tham gia các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, cải tạo vườn tạp, sạch làng tốt ruộng… Nhờ đó, xóm sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

"Thọ Hợp đạt chuẩn NTM có sự đóng góp tích cực của hội viên Hội Nông dân. Ngoài hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí theo quy định, hội viên còn tích cực, tự nguyện đóng góp ngày công, đảm nhận chăm sóc đường hoa; giữ gìn vệ sinh môi trường; tôn tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tạo không khí thi đua rộng khắp. Bản thân mỗi người dân đều hiểu rõ, họ chính là chủ thể cũng là đối tượng thụ hưởng trong quá trình xây dựng NTM nên đều tích cực góp sức mình. Nhờ đó, dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng xã đã cán đích NTM vào năm 2018".

Bà Trương Thị Giang - Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp

bna_image_1465959_9102019.jpgTrung ương Hội Nông dân thăm mô hình kinh tế giỏi xóm Tân Sơn, Quang Thành (Yên Thành). Ảnh: Thanh Phúc

Nghĩa Thọ là xã vùng khó của huyện Nghĩa Đàn, đa số hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, tập quán canh tác truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức. Bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng NTM” điều khiến Hội Nông dân xã Nghĩa Thọ trăn trở là làm thế nào để bà con thay đổi tư duy làm ăn, tiếp cận với những mô hình mới, cách làm hay vào sản xuất kinh doanh. Hội Nông dân xã đã bàn bạc, tham mưu cho UBND xã, chủ động liên hệ, phối hợp với huyện hội, với trạm khuyến nông, với các chương trình, dự án để mở các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi; các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân địa phương, rồi lại đến từng nhà vận động hội viên tham gia học, làm hồ sơ, thủ tục giúp họ.

Để bà con tin tưởng làm theo, cán bộ Hội và chi hội tiên phong đi đầu trong việc đưa giống mới vào sản xuất, tìm tòi, nghiên cứu áp dụng kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình. Sau đó, tìm cách phổ biến kinh nghiệm cho bà con, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho họ. Hiện nay, toàn xã có 127 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 16 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,39%. 

Nông dân chủ động ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Đặng Thúy Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, hội viên nông dân đã có đóng góp tích cực. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào tạo hiệu ứng rộng rãi, góp phần tích cực cho các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như: Tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Không chỉ trên mặt trận kinh tế, hội viên nông dân còn triển khai nhiều chương trình văn hóa, xã hội có ý nghĩa. 

Hội viên nông dân tích cực đóng góp ngày công làm hệ thống thủy lợi. Ảnh: Thanh Phúc
Giai đoạn 2011 - 2015 có 229 cơ sở hội, 29 hội nông dân cấp huyện, 252 cán bộ, hội viên nông dân ở Nghệ An được các cấp khen thưởng; giai đoạn 2016-2018 có 155 cơ sở hội, 8 hội nông dân cấp huyện, 154 cán bộ, hội viên nông dân được khen thưởng về những thành tích xuất sắc trong tham gia đóng góp xây dựng NTM ở địa phương. 
Đồng lòng xây dựng quê hương
Hưởng ứng  phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào "Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới" và các phong trào thi đua của Hội, những năm qua, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào nông dân tham gia đảm nhận duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn; phong trào nông dân tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, xây dựng các hố rác thu gom xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình, trồng cây xanh đô thị nông thôn, xây dựng tuyến đường xanh-sạch-đẹp-văn minh bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái; thực hiện tốt phong trào “Sạch làng, tốt ruộng”; bảo vệ môi trường trong sản xuất, thu gom rác thải trong sinh hoạt ở nông thôn; “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng…
Nhiều phong trào phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ cho nông dân đã được triển khai trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu PV
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững bằng các hoạt động thiết thực phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nông dân như: Phối hợp với các trung tâm, trường nghề, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mở được 2.450 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 73.500 học viên là lao động nông thôn, mở được hàng chục ngàn lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 600.000 lượt hội viên nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp nhận tín chấp để cung ứng dịch vụ phân bón trả chậm cho hội viên nông dân kết quả đạt hơn 150.000 tấn phân bón các loại; nhận ủy thác từ các ngân hàng cho nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh; Xây dựng, phát triển, quản lý điều hành quỹ Hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. 
Những con đường sáng xanh, sạch, đẹp do hội viên nông dân tự quản. Ảnh: Thanh Phúc

Qua các hoạt động trên, các cấp Hội Nông dân đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, từ đó nâng cao được ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, hội viên trong tham gia xây dựng NTM.

Tính đến hết năm 2018 người dân trong tỉnh (phần lớn là nông dân) đã hiến trên 5.960.682 m2 đất, đóng góp gần 5 triệu ngày công; hơn 5.573 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM; Phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM do Hội Nông dân tỉnh phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 286 vườn chuẩn NTM theo tiêu chí của UBND tỉnh ban hành. Năm 2019 có  273.356 hộ hội viên đăng ký trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; triển khai xây dựng 259 mô hình kinh tế trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến; trực tiếp vận động, hướng dẫn thành lập 121 tổ hội nghề nghiệp; 313 tổ  hợp tác sản xuất, kinh doanh có hiệu quả;  mở được 49 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 2800 cán bộ Hội; kết nạp được 7.200  hội viên. 

“Xác định nông dân có vị trí quan trọng, nòng cốt trong phong trào xây dựng NTM, vừa là chủ thể vừa là đối tượng hưởng lợi từ chương trình, những năm qua, các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào nhằm tuyên truyền, vận động, tổ chức cho hội viên nông dân tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng NTM và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật nhất là phong trào hiến đất làm đường; thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; xây dựng kinh tế tập thể… Trong giai đoạn hiện nay, trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hội nông dân tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt bằng các phong trào như: Xây dựng vườn chuẩn NTM; đẩy mạnh xây dựng tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn” giai đoạn 2019-2023.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh