Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đại biểu đại diện cho các ban ngành, cơ quan T.Ư và địa phương.
Cùng tham dự đại hội có 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước.
Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm như: một số nơi công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của nông dân chưa kịp thời; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp, công tác quản lý hội viên chưa chặt chẽ; một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế...
Từ những thành tựu và hạn chế đó, báo cáo đã nêu ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023. Trong đó nhấn mạnh phương hướng xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, nhờ đó công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đã thực hiện tốt vai trò là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, phát triển bền vững, hiện đại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Hội cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả.
Trong phiên làm việc chiều ngày 12/12, Đại hội đã bỏ phiếu bầu 119 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023. Trước đó, vào ngày 11/12 Đại hội đã tiến hành ngày làm việc thứ nhất với việc bầu đoàn Chủ tịch; đoàn Thư ký; Ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua một số chương trình, quy chế Đại hội. Đại hội còn tiếp tục làm việc đến chiều ngày 13/12, thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng.