bna_quang_canh_anh_tg9907553_1832019.jpgSáng 18/3, UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình phối hợp công tác năm 2018. Các đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chủ trì hội nghị.. Ảnh: Thu Giang

Đánh giá hiệu quả phối hợp

Theo báo cáo do Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trình bày tại Hội nghị, năm 2018, UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Cụ thể, 2 bên đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong năm 2018, các cấp Hội đã xây dựng được 467 mô hình kinh tế có hiệu quả, bình xét 138.160 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

“Các cấp Hội Nông dân, các ngành phối hợp huy động người dân góp 330.616 tỷ đồng, hiến 132.113 m2 đất, 256.665 ngày công lao động cùng các loại vật tư, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Nguyễn Quang Tùng cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh năm 2018. Ảnh: TG

Hội cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tốt một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, bồi dưỡng kiến thức thị trường cho hội viên; xây dựng các mô hình kinh tế có tính hàng hóa… 

Trong năm 2018 tỉnh cũng đã cấp 1,5 tỷ đồng để Hội Nông dân mở 29 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.050 lao động nông thôn; cấp 600 triệu đồng để Hội Nông dân xây dựng 5 mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt thương phẩm tại các huyện; cấp bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 2,5 tỷ đồng…

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tạo điều kiện để các cấp hội nông dân thực hiện chức năng giám sát, phản biện các cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động của Hội…

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó đáng lưu ý là việc thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với một số sở ngành chưa có hiệu quả cao như: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao…

“Công tác phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với UBND tỉnh và nhiều sở, ngành thời gian qua nhìn chung chặt chẽ, hiệu quả. Song sự phối hợp với một số sở, ngành còn yếu, cần quan tâm khắc phục, đẩy mạnh trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An Trần Hữu Nghĩa đề nghị Hội Nông dân tỉnh phối hợp tuyên truyền tốt trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An. Ảnh: TG

4 nhiệm vụ giao chính quyền, Hội Nông dân các cấp

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với UBND tỉnh trong thời gian qua. Để thúc đẩy công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An đề nghị Hội Nông dân và chính quyền các cấp thực hiện 4 việc:

Thứ nhất, 2 bên cần củng cố tổ chức, xây dựng kế hoạch công tác dài hạn, ngắn hạn, xác định trọng tâm trọng điểm, kiện toàn đội ngũ cán bộ, phân công, phân nhiệm cụ thể, lan tỏa tinh thần này xuống cấp huyện và đặc biệt là cấp cơ sở.

Thứ hai, 2 bên nỗ lực nâng cao nhận thức, tư duy, khả năng, năng lực của người nông dân trong thời đại mới, thông qua tuyên truyền, tập huấn, cầm tay chỉ việc...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân và các sở, ngành trong công tác phối hợp thời gian tới. Ảnh: TG

Thứ ba, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Hội cần quan tâm kết nối với lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa, đi có tiềm lực thì phải đi nhiều người. Như vậy phải có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Hội Nông dân và chính quyền các cấp phải xây dựng được ý thức, thái độ trong liên kết, xây dựng được niềm tin, trách nhiệm trước cộng đồng” - Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, đồng thời gợi ý Hội Nông dân tỉnh cần được tạo điều kiện tiếp cận các chương trình hội thảo, hội nghị lớn để có cơ hội tiếp cận với giới doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp phối hợp.

Thứ tư, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị các sở ngành chọn các nội dung công việc, đầu việc cụ thể, tránh nêu nhiệm vụ chung chung trong phối hợp công tác với Hội Nông dân. Về phần mình, Hội Nông dân cần phản hồi cung cách làm việc, triển khai các cơ chế, chính sách ở các địa phương như thế nào, đã đạt tính hiệu quả cao hay chưa.

“Hội Nông dân các cấp phải là lực lượng phản biện chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xem cách điều hành của UBND tỉnh đã hiệu quả chưa, để tỉnh có sự điều chỉnh kịp thời, điều hành sát hơn, thực tế hơn”, đồng chí nhấn mạnh.

Người nông dân trong thời đại mới cần được hỗ trợ để nâng cao nhận thức, tư duy và năng lực. Ảnh tư liệu

Cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Đề án Tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản an toàn giai đoạn 2019-2023 cần phải do Hội Nông dân phối hợp với chính quyền cơ sở xây dựng, quá trình thực hiện cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn với các đoàn thể để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An cũng nhất trí chủ trương xây dựng mỗi huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh 1 mô hình vườn chuẩn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020. Với đề xuất triển khai Đề án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và kiến thức Internet cho cán bộ hội viên nông dân”, đồng chí đề nghị Hội Nông dân tỉnh đánh giá chặt chẽ, phân rõ đối tượng, xây dựng đề cương…