Sáng 5/5, các đại biểu Quốc hội gồm các ông: Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong và bà Nguyễn Thị Thảo - Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An tiếp xúc cử tri tiếp xúc cử tri xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thành Duy Trăn trở phụ cấp của cán bộ không chuyên trách xã, xóm
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Vi Văn Duyệt - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Châu Lộc nêu thực tế hiện nay phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm thấp nên không thu hút được người tham gia làm việc.
“Ở Châu Lộc có 1 Phó Chủ tịch Hội Nông dân và 1 Phó Trưởng công an xã xin thôi việc để đi làm việc khác”, ông Duyệt nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội có kiến nghị để nâng cao phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách đảm bảo mức sống tối thiểu.
Ông Duyệt cũng cho biết, nhân dân đồng tình chủ trương sáp nhập xóm nhưng có băn khoăn là diện tích ở miền núi lớn, do đó cần xem xét cho phù hợp với từng vùng, miền.
Cử tri xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy Liên quan đến chấm điểm hộ nghèo, theo cử tri Vi Văn Tám có một thực tế là gia đình có một con trâu cũng được chấm điểm bằng gia đình có nhiều con trâu, 1 xe máy ít tiền được chấm điểm bằng xe máy đắt tiền. Do đó, cách chấm điểm cần căn cứ giá trị, số lượng cụ thể để đảm bảo công bằng hơn.
Cũng tại hội nghị, cử tri cũng nêu lên các kiến nghị liên quan đến xây dựng hạ tầng giao thông, đập chứa nước để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho nhân dân xã; bàn giao đất lâm trường về cho nhân dân sản xuất vì như tại bản Mới có khoảng 90% hộ không có đất sản xuất; đầu tư một số phòng học nhằm đảm bảo công tác dạy và học;...
Có phương án sáp nhập xóm, bản hợp lý
Thay mặt các đại biểu, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đã trả lời 13 ý kiến phát biểu với 28 loại vấn đề cụ thể của cử tri.
Trong đó, đối với vấn đề cán bộ không chuyên trách xin nghỉ vì phụ cấp thấp, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết, người hoạt động không chuyên trách thì không phải làm việc đúng 8 giờ/ngày theo quy định.
Nhưng thực tế, các cán bộ này có thời gian hoạt động nhiều vì càng gần dân thì càng cần xử lý nhiều việc, nhất là công an xã.
Sắp tới, đối với công an xã sẽ chờ Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực, còn các chức danh khác thì sẽ báo cáo Chính phủ cần xem xét cụ thể để nâng mức phụ cấp phù hợp.
Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Thành Duy Đối với vấn đề sáp nhập xóm, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 thì chưa sáp nhập các xã, huyện chỉ đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí là dân số và diện tích.
Còn vấn đề sáp nhập xóm, bản, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đề nghị huyện có ý kiến với tỉnh để có phương án sáp nhập hợp lý. Đoàn ĐBQH cũng ghi nhận để báo cáo Trung ương.
Về cách chấm điểm tiêu chí hộ nghèo, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có ý kiến và Bộ LĐTB&XH đã có sửa đổi và trả lời cử tri Nghệ An.
Châu Lộc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Hợp có địa hình đồi núi, phức tạp. Toàn xã có 4.498 khẩu với 1.017 hộ đồng bào các dân tộc Kinh, Thổ sinh sống trên địa bàn 11 xóm, bản. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 26,6%. Ảnh: Google Maps Cũng tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đã tặng 20 suất quà cho hộ chính sách, hộ đặc biệt khó khăn của xã.
Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc tặng 20 suất quà cho hộ chính sách, hộ đặc biệt khó khăn của xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Duy Nhân dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh kêu gọi Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Nghệ An hỗ trợ xây dựng 2 phòng học và thiết bị học tập cho Trường Tiểu học xã Châu Lộc.