bna_gia_lon_125815045_932020.jpgGiá lợn hơi nhảy vọt khiến giá thịt tăng mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Giá lợn hơi đang tăng, đỉnh điểm là từ ngày 7- 9/3. Theo phản ánh của các chủ lò mổ, giá lợn hơi nhảy vọt (tăng liền 15 giá) chạm mốc 85.000 - 90.000 đồng/kg. Tại các địa phương, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, giá lợn nằm ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg song nguồn cung khá ít, còn ở các trại lợn quy mô, giá lợn hơi lên mức 90.000 đồng/kg.

Bà Trịnh Thị Mai, chủ một lò mổ ở thành phố Vinh cho biết: “Giá lợn tăng từng ngày, biến động liên tục khiến lò mổ cũng như các tiểu thương kinh doanh thịt lợn gặp khó. Mua lợn hơi giá cao buộc giá bán lợn móc hàm cho các cửa hàng, các tiểu thương cũng cao, hiện giá lợn móc hàm dao động 135.000 - 140.000 đồng/kg”.

Giá lợn tăng vọt khiến thị trường thịt lợn cũng biến động theo. Khảo sát ở các chợ dân sinh, giá thịt dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg (tùy loại). Trong khi đó, ở các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt ở mức 170.000 - 200.000 đồng/kg (tùy loại).

Theo lý giải, sở dĩ giá lợn tăng cao là do thị trường trong nước biến động theo dịch Covid -19, mặt khác do dịch tả lợn châu Phi hiện đang tái phát tại các địa phương khiến việc tái đàn gặp khó khăn. Ảnh tư liệu

Giá thị lợn tăng, khiến việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng chuyển sang mua các thực phẩm khác thay thế. Một tiểu thương kinh doanh thịt ở chợ thị trấn Sa Nam cho biết: “Giá thịt cao nên không dám lấy nhiều về bán, chỉ lấy mỗi buổi chợ 5 kg song cũng khó bán hết”.

Theo lý giải của các chủ trang trại, lợn hơi tăng là do biến động giá của thị trường trong nước, nhiều người mua thực phẩm tích trữ và gửi đi Hà Nội khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Ở Nghệ An nhiều người cũng ngại đi chợ nên mua thực phẩm dự trữ trong 2 - 3 ngày liền. Bên cạnh đó, nguồn cung khan hiếm do việc tái đàn gặp không ít khó khăn.

Tính đến đầu tháng 3/2020, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát tại 6 xã của 3 huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quế Phong. Tính đến nay, số lợn đã tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh gần 96.000 con. Hiện còn 829 hộ thuộc 26 xã của 9 huyện có dịch chưa qua 30 ngày.
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết: "Sở Công Thương đã có Công văn 277 gửi các địa phương và các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo thị trường, nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương theo dõi tình hình thị trường, biến động giá cả, nguồn cung để có phương án cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt lợn. 
Việc giá lợn hơi tăng đột biến là tình hình chung cả nước, hiện Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan về điều hành giá, đảm bảo cân đối cung cùng và kiểm soát giá thịt lợn. Đồng thời lên phương án đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn, bù đắp lượng thịt thiếu hụt để bình ổn giá cả. Hiện chúng tôi đã phối hợp với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm thông qua hệ thống phân phối để đưa thịt lợn nhập khẩu cung cấp cho thị trường Nghệ An.
 

Trước tình hình giá lợn hơi tăng cao trở lại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 2/2/2020 của Văn phòng Chính phủ về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện một cách cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của việc tăng giá này.

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.