Còn nhớ, vào hồi giữa tháng 2 vừa qua, tại một hội nghị chăn nuôi của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi, khuyến cáo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành giảm giá thịt lợn hơi xuống còn 75.000 đồng/kg, bởi ở mức giá này theo ông là hợp lý.
Bộ trưởng Cường cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững. Phải gặp người tiêu dùng ở một điểm đó là văn hóa. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Đồng thời cảnh báo, nếu giá thịt lợn quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá,...
Ngay sau đó, các doanh nghiệp chăn nuôi có tổng đàn lớn đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống còn 72.000 - 75.000 đồng/kg. Kéo theo, giá lợn hơi tại các hộ chăn nuôi, trang trại cũng hạ nhiệt, giảm xuống dưới mức 80.000 đồng/kg.
Song, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi sau khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm liên tục trong vòng nửa tháng qua, thì khoảng 3 ngày trở lại đây giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh trở lại.
Chị Nguyễn Thị Chúc - chủ một trang trại chăn nuôi lợn lớn ở Phúc Thọ (Hà Nội) - phấn phởi khoe, sáng nay chị vừa xuất bán 100 con lợn, biểu cân trung bình đạt 120kg với giá 86.000 đồng/kg, thu được một khoản lãi kha khá.
Cách đây nửa tháng, khi lợn sắp đến lứa xuất chuồng, chị nghe nói doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá xuống còn 75.000 đồng/kg và dự đoán kiểu gì đến lúc trang trại của chị có lợn bán giá cũng giảm thêm nữa. Thế nhưng ai ngờ, chỉ trong 2-3 ngày hôm nay giá lợn lại quay đầu tăng mạnh.
“Thương lái điện thoại hỏi mua liên tục. Cứ hôm sau trả giá cao hơn hôm trước vài giá. Nay được giá 86.000 đồng/kg tôi xuất bán luôn vì lâu rồi giá mới tăng mạnh như thế này, nếu giữ lại giá giảm thì mình thiệt. Song, cứ đà tăng như hôm nay thì giá lợn hơi sẽ lại lập đỉnh so với thời điểm cuối năm ngoái”, chị chia sẻ.
Ghi nhận của PV. VietNamNet vào ngày 1/3, giá lợn hơi xuất chuồng tại hầu khắp các tỉnh miền Bắc đều tăng mạnh. Đơn cử, tại Hà Nội, giá lợn hơi hôm nay tăng lên mức 85.000-87.000 đồng/kg, trong khi hai ngày trước đó giá chỉ ở mức 81.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Hưng Yên giá lợn hơi tăng từ 77.000 - 80.000 đồng/kg lên 85.000 - 86.000 đồng/kg; Hòa Bình giá cũng tăng từ 83.000-85.000 đồng/kg; Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc... giá lợn hơi cũng đang ở mức cao, dao động từ 86.000-87.000 đồng/kg.
Anh Lê Văn Tuấn, thương lái thu mua lợn với số lượng lớn ở Việt Trì (Phú Thọ), cho biết, giá thịt lợn thu mua trong dân thường cao hơn giá mua của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang bán ở mức 76.000 - 77.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Nhưng mấy hôm nay, số lượng lợn các doanh nghiệp xuất bán ra không nhiều, khá nhỏ giọt, anh không thể mua lợn được từ nguồn này.
Trong khi đó, nguồn lợn dân nuôi hiện nay không nhiều dẫn đến tình trạng khan hàng, giá tăng mạnh.
Giá cả thường theo quy luật cung cầu, cung nhiều giá giảm và ngược lại. Theo anh Tuấn, nếu cứ tình trạng khan hàng như hiện nay, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng, có thể đạt mức 90.000 đồng/kg hoặc cao hơn trong vài ngày tới.
Trái ngược với miền Bắc, tại khu vực miền Nam giá lợn hơi xuất chuồng ổn định ở mốc 74.000 - 76.000 đồng/kg. Cá biệt có một số địa phương tại tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, giá lợn hơi giảm xuống còn 70.000 - 72.000 đồng/kg.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 23/02/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.549 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con; tổng trọng lượng là 342.142 tấn (chiếm khoảng 9,0% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Riêng hai tháng đầu năm nay, bệnh dịch này phát sinh thêm 24 xã, số lợn buộc phải tiêu hủy 17.133 con. Hiện 8.224 xã (chiếm 96% tổng số xã có dịch) trong cả nước đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới; có 34 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày.
Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến 5/2, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn.
Dự báo, sản lượng sẽ tăng cao từ tháng 2/2019 và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).
Theo đó, cố gắng tháng 10 năm nay ngành chăn nuôi lợn sẽ ổn định giống như thời điểm trước khi có DTCLP.
Tuy nhiên, trên thực tế giá lợn hơi đang diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, tại chợ giá thịt lợn các loại vẫn neo ở mức cao, người tiêu dùng phải mua thịt với giá tương đối đắt đỏ, dù trước đó có thời điểm giá lợn hơi xuất chuồng giảm xuống mức 72.000-75.000 đồng/kg.