Tính đến 30/9, có 19 chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đạt 7.710 tỷ đồng, tăng 498 tỷ đồng so với đầu năm; tốc độ tăng trưởng đạt 6,92%.
Bám sát chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng được Trung ương giao trong năm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời với doanh số cho vay 9 tháng đạt 2.102 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch VSMT nông thôn…
Cùng với tăng trưởng dư nợ, chi nhánh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng chính sách, đánh giá từng khoản nợ, nắm bắt khả năng trả nợ của khách hàng để đôn đốc, thu hồi. Đến nay, tổng nợ xấu chỉ chiếm 0,43%; toàn tỉnh có 190 xã không có nợ quá hạn, chiếm gần 40% tổng số xã trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại đề nghị Ban điều hành Chi nhánh Ngân hàng CSXH tích cực chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác huy động nguồn vốn trên địa bàn như: Huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, tiền gửi tiết kiệm của tổ tiết kiệm vay vốn và các tổ chức khác.
Ngân hàng CSXH phối hợp với chính quyền và tổ chức hội các cấp rà soát nhu cầu vốn của các chương trình đã hoàn thành kế hoạch, trong đó quan tâm chương trình cho vay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085 để trình Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tín dụng: giải ngân, thu nợ, lập hồ sơ xử lý rủi ro kịp thời và nâng cao chất lượng công tác giao dịch tại xã...