Nằm trong chương trình công tác tại Nghệ An, sáng 1/6, đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Tổng Giám đốc cùng các thành viên trong Đoàn công tác của NHCSXH đã có buổi trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai tín dụng chính sách xã hội và hoạt động điểm giao dịch xã Tà Cạ, Kỳ Sơn.
Tà Cạ là một xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào có diện tích đất tự nhiên 6.443 ha; dân số toàn xã 4.779 người với 1.037 hộ gia đình đang sinh sống trên 11 bản, trong đó chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú, Thái.
Đến cuối năm 2017, số hộ nghèo toàn xã là 561 hộ, chiếm tỷ lệ 54,1%; hộ cận nghèo 72 hộ chiếm 6,94 %. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 9 triệu đồng/người/năm. Đến ngày 25/5/2018, xã Tà Cạ đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 27 tỷ 982 triệu đồng thông qua 3 tổ chức chính trị xã hội thành lập 22 tổ TK&VV với 1.046 thành viên. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ 183 triệu đồng. Có 978 hộ gia đình dân tộc thiểu số đang dư nợ 26.230 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 94,9% khách hàng được thụ hưởng.
Các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có dư nợ 17.758 triệu đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ, trong đó khách hàng thuộc diện DTTS là 641 khách hàng, dư nợ 16.996 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 95,7%. Đây là những chương trình cho vay chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nguồn vốn tín dụng chính sách tại xã và cũng là những chương trình đạt hiệu quả cao nhất giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển đàn trâu bò, dê, lợn, gà tăng hiệu quả kinh tế.
Cho vay SXKD, GQVL, XKLĐ có dư nợ 4 tỷ 200 triệu đồng với 128 hộ vay vốn, trong đó 105 hộ DTTS dư nợ 3 tỷ 386 triệu đồng. Các hộ được vay vốn các chương trình này tuy không cao so với tổng số hộ vay nhưng đây là những hộ sử dụng vốn thực sự có hiệu quả có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh doanh, trồng trọt giải quyết việc làm đảm bảo an sinh trên địa bàn.
Tiêu biểu là hộ La Văn Phúc ở bản Cánh vay 50 triệu đồng đầu tư vào nuôi bò kết hợp VAC, hiện có 8 con bò, 5 ao nuôi cá, hơn 100 con gà; hộ La Thị Chiến ở bản Cánh vay 50 triệu đồng, hiện gia đình có 9 con bò, 4 ha trồng cây xoan, đinh hương; hộ Vy Thị Phương ở bản Cánh vay 30 triệu đồng đầu tư vào nuôi 05 con bò; hộ Vy Văn Dũng ở bản Hòa Sơn vay 20 triệu đồng, hiện có 19 con bò, 10 con dê, hơn 100 con gà, trồng cây ăn quả các loại; hộ Vy Văn Phương ở bản Hòa Sơn vay 30 triệu đồng, hiện gia đình có 15 con bò.
Đánh giá về hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ - Vừ Vả Chá cho biết: “Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Có những hộ đã vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ hàng trăm triệu đồng. Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống, giúp đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nạn tín dụng đen tại các vùng dân tộc miền núi và dần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Qua chứng kiến hoạt động tại điểm giao dịch xã Tà Cạ, nghe báo cáo của Tổ giao dịch xã, kiểm tra quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng của xã Tà Cạ trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn.
Từ những kiến nghị của chính quyền xã, ngay tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã hứa sẽ tiếp thu những kiến nghị đề xuất của bà con, tiếp tục đầu tư nguồn vốn và mong muốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
"Với nhiệm vụ của mình, NHCSXH không chờ người vay đến mà luôn chủ động tìm người vay, song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích" - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chia sẻ.