Phủ kín máy tính cho học sinh nghèo

Nghi Tân là một trong những phường khó khăn nhất của thị xã Cửa Lò. Đặc biệt, vùng này, dân số đông, số học sinh trong độ tuổi đi học nhiều nhưng không ít gia đình phụ huynh lại đi làm ăn xa, các con ở nhà với ông bà nên việc quan tâm, chăm sóc cũng còn hạn chế.

bna_image_9920146_1292021.jpegThị xã Cửa Lò tiếp nhận thiết bị học trực tuyến từ các nhà hảo tâm trên địa bàn. Ảnh: PV

Đây cũng là những khó khăn của các trường học trên địa bàn khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Trong khi đó, để dạy học hiệu quả thì ngoài việc đảm bảo về thiết bị, hạ tầng mạng, việc đồng hành của phụ huynh là rất quan trọng. Tại Trường Tiểu học Nghi Tân, trước thềm năm học mới, qua khảo sát của nhà trường, trong số 1.136 học sinh của năm học này thì có đến 156 học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến. Nhiều em trong số đó là con em của hộ nghèo, cận nghèo...

Sau 1 tuần triển khai dạy học thì những nỗi lo này dường như đã không còn nữa bởi hiện tại theo tổng hợp của nhà trường 100% học sinh đã đủ phương tiện để học. Trong số đó, có những em được học bằng máy tính do nhà trường hỗ trợ...

Thị xã Cửa Lò tiếp nhận máy vi tính do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ảnh: P.V

Hai anh em Đậu Gia Bảo, Đậu Tiến Đạt là một trong những học sinh đầu tiên của trường được hỗ trợ lắp đặt máy vi tính tại nhà. Trong căn nhà cũ, đây có lẽ cũng là một trong những tài sản giá trị nhất bởi hoàn cảnh của gia đình em rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, dù năm nay hai anh em, anh lên lớp 3, em vào lớp 1 nhưng trước đó gia đình không biết xoay xở đâu để có máy cho các con học trực tuyến. Biết hoàn cảnh của các em, nhà trường thông qua các nguồn kêu gọi, hỗ trợ và nhận được sự “tiếp sức” từ thị xã đã vận động được bộ máy tính để bàn đến cho gia đình mượn để các cháu kịp vào năm học mới. Không chỉ hỗ trợ máy, các ban, ngành, đoàn thể còn trực tiếp đến để lắp đặt, hướng dẫn các em sử dụng máy và kết nối với các gia đình liền kề để hỗ trợ mạng Intetnet cho gia đình.

Trường hợp của em Phan Thị Tú Loan cũng rất vất vả bởi bố em mất sớm, mẹ lại bị ung thư. Hoàn cảnh khó khăn nên món quà là chiếc máy vi tính mà nhà trường kịp thời hỗ trợ cho gia đình trong thời điểm đầu năm học mới đã tiếp sức cho cô bé ngay những ngày đầu tiên em bước vào lớp 1. Có máy tính, việc học của em cũng thuận lợi hơn, không còn lo lắng vì sợ không theo kịp các bạn trên lớp.

Trang bị máy vi tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Nghi Tân. Ảnh: P.V

Đến thời điểm này, Trường Tiểu học Nghi Tân cũng là một trong những trường nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thị xã và của các nhà hảo tâm. Nhờ đó, đã có 13 học sinh được hỗ trợ máy vi tính để học trục tuyến. Ngoài ra, nhiều học sinh khác được hỗ trợ điện thoại... Cô giáo Hoàng Trâm Anh - Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Khi bắt đầu dạy học trực tuyến, nhà trường hết sức lo lắng vì điều kiện học trực tuyến của học sinh trong trường không đảm bảo. Nhưng hiện tại 100% học sinh đã được trang bị đủ thiết bị để học và điều đó giúp các giáo viên thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tổ chức dạy học.

Khi chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” và ngành Giáo dục Nghệ An triển khai dạy học trực tuyến thì thị xã Cửa Lò là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai. Trong đó, riêng Thị ủy Cửa Lò đã ra thông báo đặc biệt về việc triển khai nhiệm vụ năm học trong tình hình ứng phó với dịch Covid - 19. Văn bản này cũng đã khẳng định việc dạy học trực tuyến là “tất yếu” trong hoàn cảnh hiện nay và đề nghị các nhà trường sớm rà soát, có phương án để hỗ trợ học sinh dạy học trực tuyến.

Đặc biệt, Thị ủy cũng kêu gọi, Đảng ủy, UBND các phường ngoài tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền thì cùng chung tay tích cực ủng hộ và quan tâm hỗ trợ trang thiết bị học tập. Từ khi văn bản được ban hành (31/8), chỉ sau 4 ngày, toàn thị xã Cửa Lò đã cùng vào cuộc để “phủ sóng” cho toàn bộ hơn 2.000 học sinh trong thị xã có đủ thiết bị để học. Trong đó, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã ủng hộ được 49 máy vi tính để bàn và 36 điện thoại. Còn lại, anh em, chính quyền và các gia đình người tặng, người cho mượn điện thoại, thiết bị máy tính để cho con em trên toàn địa bàn kịp có phương tiện để học.

Hỗ trợ thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: P.V

Tất cả học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo đều được thị xã hỗ trợ máy tính hoặc điện thoại để học. Những trường hợp khó khăn khác sau khi có sự kêu gọi của Thị ủy thì mọi người cũng góp sức hỗ trợ. Chúng tôi cũng dự kiến, những điện thoại đã tặng các học sinh khó khăn thì sẽ để các em sử dụng lâu dài để hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Riêng máy vi tính, sau này sẽ được để lại các nhà trường và trở thành thư viện thiết bị trường học để tiếp tục sử dụng trong những trường hợp các em không thể đến trường và phải chuyển sang học trực tuyến.

Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò

Không để học sinh phải thất học, không được học trực tuyến

Từ năm học trước, sau khi phải chuyển sang dạy học bằng hình thức trực tuyến, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hình thức vận động các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc tặng học sinh thiết bị để học trực tuyến.

Năm học này, khi việc triển khai dạy học trực tuyến được triển khai với quy mô trên toàn tỉnh thì phong trào này càng được lan tỏa với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân. Tại huyện Diễn Châu, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngày 9/9/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Diễn Châu đã có Thư kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Điểm tiếp nhận thiết bị học trực tuyến tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Kết quả sau 2 ngày triển khai, Ban vận động đã nhận được sự ủng hộ của 42 đơn vị, cá nhân và các nhà trường; qua đó kêu gọi được gần 336 triệu đồng, gần 100 máy điện thoại kèm với Sim 4G để hỗ trợ học sinh trong toàn huyện học trực tuyến.

Ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cho biết: Khi bắt đầu học trực tuyến, toàn huyện khảo sát chỉ có 75% học sinh đủ phương tiện để học. Do đó, từ ngày 1/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi phụ huynh và các nhà hảo tâm cùng chung tay để mua sắm thiết bị cho con em học trực tuyến và đã kịp thời bổ sung thiết bị đủ cho 11.000 học sinh theo học. Các trường hợp còn lại, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, sau khi có sự kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời bổ sung và đến nay tỷ lệ có thiết bị học trực tuyến của toàn huyện đã đạt 98,8%. Đây là một kết quả rất lớn, cho thấy các cấp, các ngành và người dân toàn huyện đã rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm không để con em huyện nhà phải lỡ học vì không đủ thiết bị học tập.

Công an huyện Diễn Châu trao tặng và hỗ trợ học sinh trên địa bàn thiết bị học trực tuyến. Ảnh: Mai Giang

Từ ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm kêu gọi các địa phương, các ban, ngành... cùng ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học trong tình hình mới. Tại Nghệ An, thực hiện lời kêu gọi này,  ý tưởng “Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” do Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An triển khai cũng đang tiếp tục được lan tỏa ở địa phương khác trong toàn tỉnh.

Trong đó, mục tiêu chính là hỗ trợ cho trên 40.000 học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị đủ thiết bị để học nếu địa phương phải chuyển sang học trực tuyến.

Trường THPT Nghi Lộc 5 hỗ trợ thiết bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: P.V

Sự chung sức, chung lòng cũng sẽ tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo trên toàn tỉnh, viết tiếp truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. Qua đó cũng thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, "dừng đến trường nhưng không dừng học" mà ngành Giáo dục Nghệ An đang triển khai trong năm học đặc biệt này.

Sau 10 ngày triển khai (từ 30/8 đến 9/9), Sở Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn Giáo dục Nghệ An, các huyện, thành, thị, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã vận động được 60 máy tính, 583 điện thoại với tổng giá trị  gần 1,6 tỷ đồng. Toàn bộ đã được kịp thời trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 
Trước đó, qua khảo sát toàn tỉnh có gần 70.000 học sinh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến (tỷ lệ 11%), trong đó, có 42.449 (tỷ lệ 6,7%) học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, có 23.919 (tỷ lệ 3,77%) học sinh có nơi ở không kết nối được Internet.