Tối 12/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tổ chức Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Cùng dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có các đồng chí: Lê Minh Khái -Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam- Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Doan- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đào Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng một số sở, ban, ngành liên quan.
Nhiều khó khăn trong dạy và học trực tuyến
Năm học mới 2021-2022 bắt đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, dù các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên, các gia đình trên cả nước đang hết sức cố gắng để tiến hành công tác giảng dạy, học tập nhưng hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Đặc biệt, thời điểm này nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Trước đó, theo thống kê của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang tổ chức học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Trong đó, tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 em.Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh, thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Với những khó khăn trên, phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ ý nghĩa của chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình này ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em" sẽ hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ sóng Internet: Miễn 100% cước phí khi HSSV sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến; Hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông; Giá các gói dịch vụ không đổi, nhưng dung lượng Internet được tăng gấp đôi; Các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nâng cao dung lượng băng thông Internet ở các thành phố lớn.
Đặc biệt, chương trình kêu gọi để hỗ trợ gần 1 triệu máy tính cho học sinh và miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến.
Tạo bình đẳng trong học tập
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là người xây dựng ý tưởng chương trình này. Sau 5 ngày triển khai, với ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, chương trình đã được lan tỏa tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nghệ An.
Phát biểu tại lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với ý chí và quyết tâm, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong thời điểm này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần quan tâm đến học sinh khó khăn, những nơi chưa có sóng; Đảng, Nhà nước hiểu rõ và chia sẻ với các gia đình, học sinh trong giai đoạn khó khăn này.
Hiện Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để có thể mở cửa trường học an toàn cho học sinh. Hiện tại, dù học trực tuyến là phương thức học tập mới, nhưng chưa thực sự phù hợp với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình dạy học, Thủ tướng lưu ý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh.
Thời gian tới, một trong những mục tiêu là tiến tới mở cửa trường học an toàn để học sinh không phải học trực tuyến. Muốn vậy, các địa phương cần phải xây dựng phương án để xây dựng các trường học an toàn, an toàn để dạy học. Đồng thời cần thực hiện sớm việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, đặc biệt là với trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban, ngành liên quan xây dựng tốt hạ tầng, đảm bảo đủ sóng cho học sinh học trực tuyến. Đồng thời, các ban, ngành, các địa phương phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái” và đại đoàn kết dân tộc để hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh. Bên cạnh đó, “càng khó khăn càng sáng tạo đổi mới", xây dựng nhiều chương trình dạy học hiệu quả trên nhiều nền tảng khác nhau để học sinh được tiếp cận kiến thức và có niềm vui khi học tập.
Ngoài ra, các bộ, ngành cũng sớm thiết kế chương trình thi và kiểm tra đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh, học sinh.
Tại lễ phát động, Thủ tướng cũng đề cập đến xu hướng phát triển trong thế giới phẳng, kết nối toàn cầu trong không gian mạng và đòi hỏi phải có tầm nhìn mới. Vì thế, mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối học tập không gian mạng sẽ góp phần gieo những hạt mầm, hạt mầm ấy sẽ lớn lên lan tỏa tạo thành xã hội số, kinh tế số, bảo vệ tình yêu thương, lòng nhân ái. Chương trình sẽ truyền đến năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số; để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và những gì tốt đẹp nhất.
Ngay sau lễ phát động, các địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp cũng đã trao tặng hàng nghìn thiết bị dạy học cho học sinh cả nước. Qua đó, chương trình đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỷ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ hơn 1.300 thiết bị cho chương trình này.