Đảm bảo các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến
Trước đó, theo kế hoạch ngay sau lễ khai giảng tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho các cấp học từ tiểu học đến THPT theo ba khung giờ khác nhau. Trong đó, cấp Tiểu học sẽ dạy từ 17h đến 21h hàng ngày. Riêng trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật có thể học vào các khung giờ khác sau khi có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 12h hàng ngày và cấp THPT: từ 13h đến 17h và sau 21h hàng ngày.
Tuy nhiên, xung quanh việc dạy học trực tuyến cũng đang có những băn khoăn, đặc biệt khi hiện nay điều kiện dạy học của các nhà trường và của nhiều phụ huynh ở các vùng miền cũng có sự khác biệt.
Qua trao đổi với Báo Nghệ An, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận còn nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến: Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là phương tiện, thiết bị. Hiện nay, với các huyện miền xuôi qua năm học vừa rồi đã vừa hoàn thiện, vừa bổ sung và hiện đã có khoảng 90% học sinh có thể học trực tuyến. Riêng các huyện miền núi, ước tính có thể có 60% học sinh có thể theo học.
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 12 là phương án tối ưu nhất hiện nay và trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức từ năm học trước. Để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn tỉnh, trong hơn 1 tuần qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS – Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo dục Nghệ An thực hiện tốt dạy học trực tuyến và đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, để dạy học trực tuyến thì điều quan trọng là phải có máy chủ với băng thông rộng, đảm bảo được đường truyền ổn định. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh rộng với số lượng học sinh rất lớn. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng và đảm bảo đường truyền có chất lượng.
Chỉ dạy học trực tuyến những phần tinh giản và phần tự học
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thái Văn Thành cũng cho biết: So với dạy học trực tiếp thì việc dạy học trực tuyến chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn và thực tế chỉ hỗ trợ các thầy, cô giáo và nhà trường trong hoàn cảnh chống dịch với những kiến thức ở phần tinh giản và những phần học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên.
Vì thế, những kiến thức đòi hỏi cơ bản, cốt lõi, trọng tâm và tiên quyết để các học sinh có thể học lên lớp trên sẽ triển khai khi dịch lắng xuống và học sinh có thể đến trường dạy học trực tiếp để đảm bảo chất lượng.
Để triển khai dạy học hiệu quả, hiện ngành giáo dục cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của học sinh và của gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ.
Trong đó, với giáo dục miền núi do có những đặc thù riêng sẽ phối hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Trao đổi về điều này, người đứng đầu ngành giáo dục nói thêm: Đối với các bản vùng sâu, vùng xa không có dịch, giáo viên phải nhận nhiệm vụ từ tổ trưởng tổ chuyên môn, từ nhà trường và về giao việc cho học sinh. Trong bối cảnh hiện nay, có thể ngành sẽ huy động thêm đội ngũ giáo viên mầm non chưa đến trường để hỗ trợ cho các giáo viên tiểu học, THCS để đi lại giữa các điểm trường chuyển phiếu bài tập cho học sinh.
Một băn khoăn khác hiện nay đó là dạy học trực tuyến với học sinh đầu cấp lớp 1 và lớp 2. Về vấn đề này, ông Thái Văn Thành cho biết Sở đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh và một số huyện, thị khác tổ chức các bài giảng mẫu và tạo thành hệ thống học liệu để học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh được tham gia học. Trong đó, chủ trương triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc đi học từ việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm... Phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng, vì chúng ta xác định việc dạy và học sẽ làm từng bước, chậm nhưng chắc, "không thể nóng vội".
Theo ông Thái Văn Thành: Khi dịch đã ổn định chúng ta có thể tăng thời gian học ở trường, kể cả học ngày 2 buổi hoặc học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đây sẽ là thời gian vàng để bổ sung những lượng kiến thức còn thiếu hụt.
Liên quan đến việc dạy học trực tuyến, ngày 29/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ra văn bản hướng dẫn. Trong văn bản cũng đã chỉ rõ: Tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học sau: trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger…, để hoàn thành chương trình.
Trong thời gian học sinh trực tuyến, các nhà trường lựa chọn các nội dung kiến thức cơ bản theo các mức độ nhận biết, thông hiểu (mức 1, mức 2) để giảng dạy, hướng dẫn học sinh tự học hoàn hoàn thành nội dung bài học. Các kỹ năng, mức độ còn lại cao hơn, tổ chức dạy cho học sinh khi học trực tiếp.
Về việc dạy trên hệ thống LMS cũng sẽ triển khai theo từng bậc học khác nhau. Với bậc tiểu học, trước mắt, để thuận tiện cho học sinh, phụ huynh, giáo viên triển khai dạy học trực tuyến thì trong thời gian 01 tháng (từ ngày 06/9/2021 đến ngày 06/10/2021), các cơ sở giáo dục, giáo viên có thể linh hoạt dạy học trực tuyến trên các phần mềm khác nhau. Trong thời gian này, vừa dạy học vừa tiến hành, kiểm tra, rà soát, chuẩn bị, bổ sung các điều kiện cần thiết đảm bảo cho dạy học trên hệ thống LMS. Từ ngày 07/10/2021 trở đi, việc dạy học trực tuyến phải được triển khai đồng bộ trong tất cả các cơ sở giáo dục trên hệ thống LMS.
Đối với cấp THCS và THPT: Triển khai trên hệ thống LMS ngay từ đầu năm học, tuần đầu tiên tập trung ôn tập, hệ thống các kiến thức đã học đồng thời kiểm tra, rà soát, bổ sung các điều kiện cần thiết đảm bảo tổ chức dạy học đồng bộ trên hệ thống LMS.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục rà soát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, có phương án kịp thời hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, không có khả năng tham gia học trực tuyến.