Tốc độ tăng trưởng nhanh
Nếu như trước đây, các phương thức kinh doanh truyền thống tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi là nơi cung cấp phần lớn các dịch vụ, hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì 2 năm qua, câu chuyện đã thay đổi. Chị Lê Thị Mai - tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến thói quen mua sắm của nhiều người thay đổi và dần quen với mua sắm trực tuyến. "Thời điểm dịch căng thẳng, chợ ít khách, vợ chồng tôi giới thiệu hàng lên facebook cá nhân để bán hàng. Nay bình thường mới, chúng tôi song song cả 2 hình thức, vừa bán trực tiếp ở chợ, vừa bán online với lượng khách khá ổn định" - chị Mai cho biết.
Hiện nay, lượng tiểu thương bán hàng online ngày càng đông bởi những tiện lợi của nó. Các kênh bán hàng trực tuyến là phương thức an toàn để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. Để thích ứng với môi trường kinh doanh mùa dịch, hầu hết các nhà hàng, tiểu thương tại các chợ và người tiêu dùng đã tận dụng triệt để mạng xã hội facebook, zalo… để trao đổi, mua bán thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại.
Với sự xuất hiện của hàng loạt các trang web và ứng dụng sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, 37nghean.com…, cũng như các nhà kinh doanh bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh phương thức bán hàng online như BigC, Winmart+, MEGA MARKET Vinh, BIBI Green… người dân có thể dễ dàng mua sắm mọi thứ, từ đồ tạp hóa, điện tử, cho đến các dịch vụ giáo dục và đặt phòng khách sạn chỉ với một cú nhấp chuột hoặc những thao tác đơn giản trên thiết bị di động thông minh và điều quan trọng là với mức giá phù hợp, tiện lợi và chất lượng đảm bảo.
Cơ hội khai thác các thị trường tiềm năng
Phát triển thương mại điện tử giúp cho người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh tiết kiệm được thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ; thông qua đó có thể hỗ trợ dần tiến tới quản lý việc sử dụng tiền mặt, thu nhập… Có thể thấy, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển theo xu thế của thế giới, phát huy những tiện ích và mang lại nhiều động lực cho sự phục hồi kinh tế vốn chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hiện vẫn có tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp chưa triển khai xây dựng kênh thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp cho thương lái hoặc tìm kiếm khách hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, họ không quan tâm đến thương mại điện tử hoặc chưa có kiến thức về thương mại điện tử quốc tế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có định hướng chuyển đổi số nhưng đối mặt với nhiều thách thức như: Chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật số; chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số…
Vì thế, để đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 25/2/2022 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”. Đây là hành lang pháp lý thể hiện rất rõ nhận thức về vai trò quan trọng của thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.
Theo đó, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... của tỉnh trên cơ sở kết nối đồng bộ với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Qua đó, nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển, tìm kiếm các cơ hội thương mại trong và ngoài nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.
Để thực hiện các đề án thương mại điện tử quốc gia năm 2022 do Bộ Công Thương phê duyệt, Sở Công Thương đang phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, UBND các huyện, thành, thị để lựa chọn các đơn vị nhằm hỗ trợ miễn phí xây dựng 15 website bán hàng, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn tại địa bàn các huyện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các nội dung về cách thức nhận biết, phòng tránh các hoạt động kinh doanh lừa đảo trên mạng, đa cấp núp bóng thương mại điện tử.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Sở Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com và một số sàn uy tín trong và ngoài nước. Năm 2022, 2023 lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO,... các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn, các sản phẩm có tiềm năng theo đề xuất của địa phương để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn.
Chúng tôi phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các tổ chức, đơn vị liên quan kết nối sàn Nghệ An và các sàn của Bộ Công Thương, sàn các tỉnh và một số sàn uy tín trong và ngoài nước. Thường xuyên chia sẻ, quảng bá sàn tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua báo, đài, mạng xã hội… Song song với đó là tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản, mở gian hàng trên sàn và hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử.
Thương mại điện tử không còn quá xa lạ với doanh nghiệp và người tiêu dùng Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng thương mại điện tử là công cụ hỗ trợ, là hình thức kinh doanh chủ yếu của mình. Cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online được xem là xu thế tất yếu, là chuyển động tích cực trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay.
Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 100% tổ chức xúc tiến thương mại và 100% doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. 25% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên môi trường số. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh…