Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại
Theo Kế hoạch 192/KH-UBND, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế. Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.
Tạo điều kiện các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hợp tác xã, các hộ nông dân,... tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền và các chương trình kích cầu tiêu dùng,... nhằm xây dựng thương hiệu và giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
Khuyến khích thương nhân phát triển hệ thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường xanh tại cơ sở phân phối như: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,...
Rà soát các nội dung về phát triển hạ tầng thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý định hướng thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại.
Tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như: chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, kho dự trữ, bảo quản,... theo hướng hiện đại tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống mang tính văn hóa, chợ tại vùng nông thôn, biên giới đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân.
Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển mạng lưới chợ giai đoạn 2021 - 2030; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; triển khai nhân rông mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm; đầu tư phát triển một số chợ gắn với phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch ở những khu vực, địa điểm phù hợp để tạo dựng thêm các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh xây dựng và nhân rộng mô hình phân phổi xanh, bền vững trên cơ sở áp dụng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả trong lưu kho, phân phối; thiết lập mạng lưới cơ sở thu mua nông sản và mạng lưới các cơ sở cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ theo mô hình hiện đại trên địa bàn tỉnh; xây dựng kho tổng hợp, chuyên dụng và kho lạnh (đặc biệt là kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu) phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trong và ngoài nước.
Tăng cường các giải pháp công nghệ số và dịch vụ tích hợp
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), các giải pháp công nghệ số và các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến như: công nghệ thẻ thông minh, công nghệ block chain, mã vạch,... vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai ứng dụng mô hình quản lý các website TMĐT, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,...).
Xây dựng nền tảng trực tuyến cho hoạt động phân phối, phát triển thị trường trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển TMĐT quốc gia nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng hiệu quả TMĐT trong sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận và áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong phương thức kinh doanh TMĐT; thúc đẩy phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào các hoạt động kinh doanh; thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng, tiện ích mới như trích xuất nguồn hàng, QR Code, Data Matrix, RFID tại các kênh phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...; ứng dụng khoa học và công nghệ và thông tin hiện đại thúc đẩy phân phối xanh bền vững thông qua phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn…
UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc rà soát, đề xuất các nội dung về phát triển thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất. Xây dựng và phát triển các chính sách về phát triển thương mại, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh, liên kết bền vững giữa sản xuất -phân phối - tiêu dùng...
Kế hoạch đặt ra mục tiêu:
Giai đoạn 2021 - 2030: Giá trị gia tăng thêm của ngành thương mại trong nước trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 20%/năm. Thương mại điện tử phát triển với công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng với phương tiện hỗ trợ đầu đủ, bảo đảm tính an toàn và thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch; đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 12-12,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Phấn đấu đạt khoảng 20-30% số doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2031 - 2045: Giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong nước trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm. TMĐT phát triển mạnh, đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 18 - 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; phấn đấu đạt trên 50% số doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước.