Báo cáo của UBND huyện Đô Lương cho thấy, đến hết năm 2021, có 32/32 xã đạt chuẩn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đã thực hiện đạt 197/465 tiêu chí NTM nâng cao; đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020.
Có 7 tiêu chí (19 chỉ tiêu) chưa đạt gồm: Tiêu chí 1 về quy hoạch (2 chỉ tiêu); tiêu chí 2 về giao thông (2 chỉ tiêu); tiêu chí 5 về y tế - văn hóa - giáo dục (2 chỉ tiêu); tiêu chí 6 về kinh tế (1 chỉ tiêu); tiêu chí 7 về môi trường (5 chỉ tiêu); tiêu chí 8 về chất lượng môi trường sống (4 chỉ tiêu) và tiêu chí 9 về an ninh trật tự - hành chính công (1 chỉ tiêu).
Tại buổi làm việc, huyện Đô lương đề xuất với tỉnh một số kiến nghị: Ưu tiên hỗ trợ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí khác cho huyện; hỗ trợ cho huyện 10.000 tấn xi măng ngoài cơ chế của tỉnh để làm đường giao thông nông thôn.
Hỗ trợ kinh phí để thực hiện 4 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, kinh phí tương đương 16 tỷ đồng. Gồm: Mương tiêu Đà - Trung - Thuận, 5 tỷ đồng; cầu Trọi Sa xã Đại Sơn, 4 tỷ đồng; đập Chọ Cũ xã Nam Sơn, 4 tỷ đồng; kênh tiêu Nam sông Đào, 3 tỷ đồng. Hỗ trợ cho huyện 2 tỷ đồng kinh phí lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi nghe ý kiến đánh giá của các sở, ngành và các kiến nghị đề xuất của huyện Đô Lương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao sự quyết tâm của huyện Đô Lương trong xây dựng NTM. Qua đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, để Đô Lương về đích huyện NTM vào cuối năm 2022, thì mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò trong xây dựng NTM và vào cuộc một cách tích cực của cả hệ thống chính trị. Đô Lương tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhằm đẩy nhanh tiến độ các tiêu chí.
Thời gian của năm 2022 không còn nhiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với huyện Đô Lương để hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng huyện NTM.