Đảm bảo an sinh, tạo sinh kế bền vững
Mấy con bò béo mập gặm cỏ trước cửa nhà những ngày này là biểu hiện no ấm nhất trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hồ Thị Bình, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Hai đứa con còn nhỏ, chồng bệnh tật, đau ốm quanh năm, hàng ngày, chị Bình đi đóng gạch thuê trong xã, tiền công 130.000 đồng trả theo ngày. Thế nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19 đến nay, công việc bấp bênh khi có khi không.
“Được tạo điều kiện, vợ chồng tôi quyết định vay 50 triệu đồng lãi suất thấp từ Ngân hàng CSXH, đầu tư chuồng trại, mua bò, nuôi thêm vài con lợn, hy vọng sẽ có hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế dù không nhanh nhưng bền vững”, chị Bình tâm sự.
Chị Hồ Thị Bình ở xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) vay vốn Ngân hàng csxh chăn nuôi bò. Ảnh: Phú Hương Có địa bàn rộng, nhiều xã miền núi nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở Quỳnh Lưu khá lớn. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đời sống và thu nhập của các hộ dân trên càng gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó,
Ngân hàng CSXH huyện đã đặc biệt ưu tiên và tập trung nguồn vốn cho các hộ dân này để đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn, phục hồi kinh tế sau đại dịch của bà con. Đơn vị đã tích cực tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ cấp trên và nguồn vốn ủy thác tại địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm...
“Chúng tôi cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức nhận ủy thác ở cấp xã, cấp huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tiếp cận được với chủ trương và nguồn vốn, bình xét, lập hồ sơ và giải ngân kịp thời”.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân gần 170 tỷ đồng, trong đó riêng 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng trên 70 tỷ đồng, đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân. So với cùng kỳ năm ngoái, số vốn vay các đối tượng trên tăng hơn 7 tỷ đồng, nhiều hộ vay hàng trăm triệu đồng. Được tạo điều kiện về nguồn vốn, người dân đã tập trung phát triển chăn nuôi, trồng keo… nhằm thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững. “Tuy nhiên, để phát huy tốt nguồn vốn vay, cần có sự quan tâm của các ban ngành, chính quyền địa phương để giúp đỡ, hướng dẫn người dân làm ăn hiệu quả hơn; tạo đầu ra sản phẩm cho bà con”, ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Tại huyện Diễn Châu, chỉ riêng trong quý 3 năm nay, Ngân hàng CSXH huyện đã phân bổ 52 tỷ đồng nguồn vốn mới và vốn thu hồi đến tận khối, xóm, đáp ứng nhu cầu về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối
tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Ngân hàng, trong 186 tỷ đồng cho vay của đơn vị, riêng cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo đạt 109,3 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh số thu nợ đạt 129 tỷ đồng, chiếm 69% doanh số cho vay, góp phần quan trọng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định, chủ động tại địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong điều kiện vốn cấp từ Trung ương gặp khó khăn. Nguồn vốn được đảm bảo đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Hộ nghèo ở Diễn Châu vay vốn NHCSXH phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Phú Hương Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Diễn Châu đạt trên 732 tỷ đồng, vốn vay đã giúp cho 9.970 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cấp xã theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025. Tranh thủ nguồn vốn từ cấp trên; tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Diễn Châu
Dịch bệnh được đẩy lùi tới đâu, Ngân hàng CSXH phục vụ tới đó
Khó khăn về nguồn vốn, nhất là sau những ảnh hưởng tiêu cực của
dịch bệnh Covid-19, sẽ là những rào cản để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phục hồi và phát triển kinh tế. Xác định rõ nhu cầu vay vốn tạo sinh kế bền vững của bà con, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đã kịp thời phối hợp với các địa phương, tập trung rà soát, nắm bắt nhu cầu, giải ngân vốn vay cho người dân. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta năm 2021 theo số liệu công bố giảm mạnh, tuy nhiên Ngân hàng CSXH tỉnh vẫn tăng cường cho vay, bao gồm cho vay đối tượng hộ nghèo mới, hộ nghèo đã vay vốn từ trước nhưng có nhu cầu vay bổ sung để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh.
“Trong hệ thống Ngân hàng CSXH, nguồn vốn cho hộ nghèo luôn được ưu tiên đặc biệt. Trong 4 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã cho vay hộ nghèo đạt 120 tỷ đồng. Đồng thời tích cực cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để hỗ trợ giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn đạt gần 700 tỷ đồng. Riêng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, với phương châm "dịch bệnh được đẩy lùi tới đâu, Ngân hàng CSXH phục vụ tới đó", ngay khi có hạn chế giãn cách đối với địa bàn nào là chúng tôi phục vụ ngay theo tinh thần tuyệt đối chấp hành nguyên tắc phòng dịch”
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Nghệ An
Cán bộ NHCS thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình thực hiện giao dịch. Ảnh: Thu Huyền
Trên tinh thần đó, chi nhánh đã tích cực đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ 1/5/2021 đến 30/9/2021, nguồn vốn vay đã đạt trên 200 tỷ đồng cho gần 4.000 hộ nghèo; cùng với đó, doanh số cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 1.260 tỷ đồng. Đây là nguồn lực giúp người yếu thế tạo sinh kế, vượt qua khó khăn dịch bệnh. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn, chi nhánh NHCSXH đã có một số giải pháp gia giãn nợ, lãi đối với khách hàng, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong đó, tập trung hỗ trợ gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho các hộ nghèo khi đến hạn gặp khó khăn chưa trả nợ kịp thời, trả lãi định kỳ. Theo đó, từ 1/5/2021 đến 30/9/2021, đã có 1.145 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ gia hạn, giãn nợ, lãi; số tiền nợ gốc được gia hạn, giãn nợ lên tới 35 tỷ đồng.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ huy động nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, trong đó riêng cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo khoảng 500 tỷ đồng, để phục vụ nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh góp phần giảm thiểu tái nghèo trên địa bàn./.