Vươn lên từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, huyện Quỳ Hợp mặc dù là địa bàn miền núi nhưng được đánh giá là khá năng động trong phát triển kinh tế, có tốc độ giảm nghèo nhanh. Để có được kết quả này, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sinh kế cho bà con, trong đó nổi bật là hoạt động cho vay từ các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH).
17/08/2020 - 09:52
“Ươm mầm” từ vốn chính sách
Sau khi nghỉ việc Nhà nước, ông Chu Quốc Trụ trở về xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình (Quỳ Hợp) làm trang trại. Ban đầu, với đồng vốn ít ỏi tích lũy được, cộng với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện, ông đầu tư 6 ha cam, xây dựng chuồng trại nuôi bò, đào ao thả cá. Kinh nghiệm của một cán bộ ngành Nông nghiệp, cùng với bản tính hay làm, chịu khó nên ông cùng vợ con quyết tâm phát triển kinh tế trang trại, dù ngày đầu gặp vô vàn khó khăn nhưng không vì thế mà ông chùn bước. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế phát triển, ông đầu tư sắm xe bán tải để phục vụ đi lại và tiêu thụ sản phẩm. Ông Trụ cho biết, tháng 5/2017, tôi vay chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để trồng cam, đến tháng 5/2020, gia đình đã trả được nợ vay. Hiện gia đình đang tiếp tục vay số tiền 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để trồng thêm cam, quýt. Trang trại của gia đình ông Trụ thường xuyên giải quyết việc cho 4 lao động, chưa kể số lao động thời vụ khi vào mùa cam; mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền
Ở huyện Quỳ Hợp có nhiều nguồn vốn tín dụng, nhưng nguồn vốn Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi cho chính sách an sinh xã hội hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn là nguồn vốn có tính quan trọng nhất quyết định cho xóa đói, giảm nghèo của xã trong những năm qua. Vốn vay chính sách không chỉ giúp người dân huyện Quỳ Hợp ý thức vươn lên mạnh mẽ để thoát nghèo, giải quyết nỗi lo cơm áo, mà nhiều hộ đã biết hướng tới việc cho con thoát nghèo bền vững bằng tri thức.
Đó là trường hợp thương binh hạng 4/4 - ông Phan Xuân Công ở xóm Quyết Tiến, xã Tam Hợp. Ông Công bị nhiễm chất độc hóa học, 2 đứa con đầu được hưởng chế độ chất độc da cam, vợ mất sớm, một mình nuôi 3 con trong vô vàn khó khăn. Gia đình ông thuộc hộ cận nghèo, cuộc đời cha con ông khó khăn chồng chất. May mắn khi tháng 3/2017, gia đình được vay vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để trồng cam, đến tháng 3/2020, ông đã dành dụm trả nợ ngân hàng đúng hạn và nay đã thoát nghèo.
Hiện gia đình đang vay chương trình học sinh, sinh viên cho người con út đi học với số tiền 46,75 triệu đồng. Người con út này ra trường và xin được việc làm ổn định ở một công ty nước ngoài tại Bình Dương. Con được học hành đến nơi, đến chốn, có việc làm, có thu nhập là nguồn động viên vô cùng lớn đối với ông Công khi đã một mình chèo chống lo lắng cho các con. Chị Vi Thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái trước đây thuộc hộ cận nghèo. Được xét duyệt vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nên hiện gia đình chị đã thoát cận nghèo.
Tôi đã 2 lần vay vốn Ngân hàng CSXH, năm 2014 vay 30 triệu đồng để đầu tư 4 ha keo; năm 2017 tôi đã trả được nợ và tiếp tục thêm vòng quay, được vay 40 triệu đồng để phát triển kinh tế trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu, bò. Tôi rất mong Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay nhiều hơn để mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển sản xuất.
Chị Vi Thị Đào ở xóm Thái Quang, xã Châu Thái, Quỳ Châu
Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp) xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Thu Huyền
Tổ vay vốn xóm Thái Quang, xã Châu Thái có 60 thành viên thì có tới 90% là hộ nghèo và cận nghèo, nhưng rất vui là chị em trong tổ đoàn kết xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế rừng; cùng trồng rừng, đi phát quang... Nhờ đó, đời sống hội viên ngày càng tốt hơn, chị em quan tâm nuôi con cái ăn học thành tài.
Chú trọng nâng chất lượng tín dụng
Bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được Ngân hàng CSXH tỉnh giao từ đầu năm, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời. Doanh số cho vay 6 tháng đạt gần 107 tỷ đồng với 2.382 lượt khách hàng vay vốn.
Đồ họa: Lâm Tùng
Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2020 đạt 530 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6%. Thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách với trên 13.000 khách hàng đang còn dư nợ.
Để đảm bảo nguồn vốn, thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp tiếp tục tăng cường tham mưu tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn vốn ngân sách địa phương tiếp tục tăng trưởng.
Tổng nguồn vốn đến ngày 30/6/2020 đạt hơn 530 tỷ đồng. Trong đó: nguồn vốn Trung ương gần 421 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 6,417 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 56,8% kế hoạch tăng trưởng cả năm. Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 50 lao động, xây dựng 630 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp 18 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 43 căn nhà cho hộ nghèo và 1.949 hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Quỳ Hợp xuống còn 12,02%.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều gia đình đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Thu Huyền
“Hiện nay chúng tôi đang triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 như thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay, xử lý rủi ro theo Quyết định 15/QĐ-HĐQT. Kết quả đã hỗ trợ khách hàng gia hạn nợ được 2.575 triệu đồng cho 64 khách hàng; thực hiện cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh với số tiền 106.757 triệu đồng cho 2.135 khách hàng vay vốn. Chúng tôi cũng phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, UBND cấp xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 không có doanh nghiệp nào trên địa bàn có nhu cầu vay vốn”
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp
Thời gian tới, bên cạnh huy động vốn, giải ngân các chương trình tín dụng; tổ chức thu nợ, thu lãi, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp thực hiện kiểm tra, giám sát trên tất cả các kênh, các cấp theo kế hoạch đã xây dựng. Đồng thời tích cực phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác, trong đó, tập trung chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, và chỉ đạo các tổ này chấp hành nghiêm túc quy trình bình xét đối tượng vay...
(Baonghean.vn) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, nhiều hộ gia đình ở Nghệ An đã có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định của người dân được nhân rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.