Nếu như các năm trước, gia đình anh Trần Quốc Hùng (xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) dành 1.000m2 nhà lưới để trồng hoa ly và hoa cúc phục vụ Tết nguyên đánthì năm nay, anh quyết định chỉ trồng 1 sào hoa cúc mà không xuống giống hoa ly. Anh Trần Quốc Hùng cho biết: “Năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại nông sản đều ế ẩm, hàng hoa lại càng khó khăn đầu ra khi không nằm trong danh sách “thiết yếu” buộc phải mua sắm. Do đó, năm nay, gia đình quyết định chỉ trồng 1 sào hoa cúc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Nhiều năm nay, nông dân xã Nghi Long trồng các loại hoa cúc, hoa ly cung ứng thị trường dịp Tết. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng hoa trên diện tích 1ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xóm Kim Nghĩa. Ngoài trồng các loại hoa cúc như: đại đóa, cúc ngọc, cúc ru-by… thì người dân địa phương còn trồng hoa ly trong nhà lưới cho thu nhập cao. Tuy nhiên, năm nay lường trước được thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến thời điểm hiện tại, người trồng hoa vẫn đang dè dặt khi xuống giống.
Bà Võ Thị Vân, cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Long cho biết: “Năm nay, theo đăng ký giống thì diện tích trồng hoa Tết giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5.000m2 (giảm ½ so với năm trước). Đặc biệt, không có hộ nào đăng ký trồng hoa ly”.
Theo phân tích của bà Vân, sở dĩ người dân không dám xuống giống hoa ly là vì chi phí đầu tư cao, 1 sào tốn khoảng 85 triệu, loại hoa này cũng “kén” người mua, do đó, nếu không bán được thì thua lỗ quá nhiều. So với hoa ly, chi phí 1 sào hoa cúc ít hơn, chỉ khoảng 7- 8 triệu đồng, loại hoa này chủ yếu để thắp hương, chưng bàn thờ nên cũng dễ bán hơn, hoặc nếu không bán hết trong dịp Tết thì còn “căn” để bán vào ra Giêng cho người đi lễ, đi đền, chùa hoặc vào Rằm tháng Giêng.
Khác với không khí khẩn trương, tất bật của vụ hoa Tết các năm trước, năm nay, các hộ trồng hoa ở Nghi Ân (TP. Vinh) đang đắn đo chưa dám xuống giống. Bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ dân ở xóm Kim Chi (xã Nghi Ân) cho biết: “Nếu như mọi năm, thời điểm này 3 sào cúc đã bắt đầu bén rễ thì năm nay, tôi tính chỉ trồng 1 sào thôi bởi không biết dịch phức tạp thế này thì Tết có bán được hay không? Hai sào còn lại đang cân nhắc sẽ trồng rau màu hoặc xuống giống hoa cúc muộn để bán Rằm chứ không làm đồng loạt”.
Vụ hoa Tếtnăm nay, hầu hết người trồng hoa có tâm lý lo ngại thị trường tiêu thụ sẽ giảm mạnh do tác động của dịch bệnh. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Tết năm ngoái và mới đây nhất, các vùng trồng hoa ở Hà Nội, Sơn La, Bình Định, Lâm Đồng… phải nhổ hoa trồng rau vì hoa ế ẩm, không có đầu ra.
Ông Trần Ngọc Quyết, một chủ vườn chuyên cung ứng giống hoa các loại ở xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông (TP. Vinh) cho biết: “Gần 10 năm cung ứng giống hoa Tết như cúc, ly, thược dược, đồng tiền… cho người trồng trong tỉnh và tỉnh Hà Tĩnh, chưa năm nào sản lượng hoa giống bán ra lại kém như năm nay. Hiện đã vào mùa trồng hoa Tết song lượng người đặt cúc giống giảm 50% so với năm ngoái, các giống hoa như ly, tuy-lip chỉ đặt lượng ít nên tôi cũng chưa dám nhập củ hoa về. So với mọi năm, giá củ ly, giá cây cúc con tăng nhẹ”.
Theo khảo sát tại các vùng trồng hoa truyền thống, diện tích hoa Tết giảm khoảng 35-40% so với mọi năm, nhất là các loại hoa cao cấp như ly, tuy lip, diện tích giảm khoảng 70-80%…