Tạo “cần câu” thoát nghèo
Về Quế Phong, nhiều người biết đến gương thương binh Hà Xô Viết, sinh năm 1944 ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch. Trước chưa vay vốn, kinh tế hộ gia đình rất khó khăn. Năm 2004, từ nguồn vốn 4 triệu đồng chương trình hộ nghèo, Ngân hàng CSXH huyện, ông mua được 1 con trâu sinh sản để chăn nuôi. Đến hạn ông trả nợ theo quy định. Sau đó ông mạnh dạn vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn số tiền 30 triệu đồng, mua thêm 2 con trâu.
Hiện nay, ông Hà Xô Viết đã có tổng đàn trâu trên 20 con; ông còn có 1 ha rừng trồng keo và cây quế; vườn sản xuất rau màu 2 ha; đào 3 ao thả cá trên 600m2, đưa thu nhập bình quân hàng năm từ 70 -100 triệu đồng/năm.
Ở huyện Quỳ Châu, năm 2011 ông Vũ Đức Quý (SN 1950) trú tại bản Mới, xã Châu Phong vay 20 triệu đồng từ Chương trình sản xuất, kinh doanh. Cùng với một ít vốn tích lũy được, ông mua 2 con dê, đào ao thả cá, trồng keo trên rừng nhà. Năm 2015, ông trả đầy đủ gốc và lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội và xin vay thêm 20 triệu đồng, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã sinh sản được 8 con mang lại thu nhập cao.
Đô Lương được đánh giá là một trong những địa bàn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Đô Lương cho hay: Đến nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt gần 400 tỷ đồng, so với đầu năm tăng trên 29 tỷ đồng, tốc độ tăng 8%. Trong đó, huy động vốn theo lãi suất thị trường đạt 144% chỉ tiêu kế hoạch năm. Huy động vốn thông qua tổ đạt 152% chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổng dư nợ đạt hơn 393 tỷ đồng so với đầu năm tăng 7,8%. Trên địa bàn có rất nhiều hộ sử dụng vay vốn hiệu quả vươn lên làm giàu.
Tiếp tục phát huy nguồn vốn chính sách
Năm 2018, Chi nhánh Nghệ An đã tranh thủ kịp thời sự quan tâm của Ngân hàng Trung ương, tích cực tham mưu nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ của địa phương, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nhờ đó, đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động vốn được giao, tổng vốn huy động ước đạt 1.120 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao, trong đó: Huy động qua tổ đạt 200% kế hoạch, huy động từ các tổ chức, cá nhân đạt 120% kế hoạch. Ước đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn đạt 7.770 tỷ đồng.
Về sử dụng vốn,Ban điều hành đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, đối với các địa bàn có dư nợ thấp, khó tăng dư nợ do đối tượng ít được tập trung ưu tiên nguồn vốn nhằm đảm bảo ổn định mức dư nợ hợp lý. Đến nay, dư nợ toàn chi nhánh đạt 7.746 tỷ đồng, tăng khoảng 546 tỷ đồng, tăng trưởng ước khoảng 7,6%, hoàn thành xấp xỉ 100% kế hoạch được giao.
Song song với công tác cho vay, Chi nhánh thực hiện tốt công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan một cách kịp thời, hiệu quả. Mặc dù quy mô tín dụng tăng lên, nợ đến hạn tăng cao song chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tổng nợ quá hạn khoảng 11 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, tiếp tục giảm so với năm 2017.
Hoạt động ủy thác và mạng lưới tổ TK&VV chuyển biến mạnh cả về lượng và chất. Chất lượng mạng lưới tổ TK&VV có chuyển biến mạnh là nhờ sự quan tâm, giám sát chặt chẽ từ các phòng giao dịch và sự phối hợp chỉ đạo có trách nhiệm của tổ chức nhận ủy thác, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra.
Năm 2019, Ngân hàng CSXH tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 29-CT/TU của BTV Tỉnh ủy, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 30 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ từ 7-10% so với năm 2018. Hoàn thành kế hoạch huy động vốn và dư nợ.
Để đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh - ông Trần Khắc Hùng cho hay: Bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 29-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch số 463/KH-UBND của UBND tỉnh để tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, tăng cường hơn nữa công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đồng thời làm tốt công tác thu hồi nợ. Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng giao dịch xã, nâng cao chất lượng tín dụng một cách toàn diện trong thời gian tới.