Đặc sản vùng cao
Những ngày giáp Tết, người dân ở xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương), háo hức xuống suối cùng bắt cá mát. Tại bản Xốp Nặm, chỉ sau vài giờ, hơn 20 người đã bắt được khoảng 2 tạ cá mát. Đây là thành quả của người dân sau chuỗi ngày dài cùng nhau bảo vệ đàn cá mát. 2 tạ cá này sau đó được chia đều cho 84 hộ dân trong bản để về chuẩn bị đón Tết. Với đồng bào dân tộc Thái, món cá giàng là một trong những món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết.
"Đây là lần thứ 4 trong năm nay, bản Xốp Nặm tổ chức ngày hội bắt cá. Những lần trước hoặc là dịp lễ, hoặc là bắt về để bán sung quỹ cho bản", một cán bộ xã Tam Hợp nói. Mặc dù đã được cho phép bắt cá ở khu vực cấm này, nhưng người dân Xốp Nặm cũng chỉ bắt những con cá to.
“Kể từ khi có hương ước cấm đánh bắt cá ở một số khu vực, cá sinh sôi nhiều lắm. Ngày xưa quăng chài cả ngày cũng chả bắt được con nào. Bây giờ, buổi tối thậm chí chỉ cần soi đèn pin cũng có thể bắt bằng tay được”, anh Khă Văn Trường, bản Xốp Nặm nói.
Cá mát là một trong những đặc sản của miền Tây Nghệ An, đặc biệt là vùng Tương Dương, Kỳ Sơn. Loài cá này thường sống ở khe, suối, thức ăn chính là rong rêu bám trên mặt đá. Thịt cá trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng, xương cá rất cứng và ít xương, mỡ béo là nguồn thức ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Chính vì nhu cầu lớn, giá cả đắt đỏ, những năm trước đây, cá mát đã bị đánh bắt một cách tận diệt. Sách đỏ Việt Nam năm 2007 thậm chí đã liệt loài cá này ở mức sẽ nguy cấp (VU) cần được bảo vệ ngay. Cá mát cũng là 1 trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn, phát triển theo Quyết định số 5529/QĐ-UBND năm 2013.
Cũng như nhiều xã vùng cao khác, những đàn cá mát ở các dòng suối, con khe ở xã Tam Hợp từng bị tận diệt một cách không thương tiếc. Từ kích điện, nổ mìn, cho đến dùng lưới mắt nhỏ. Ngoài ra, người dân vùng cao còn có một kiểu đánh bắt tận diệt khác, đó lạ họ ngăn dòng con suối, sau đó dùng lá cây cơi đập nhỏ để rải xuống suối. Các chất nhựa từ lá cây này sẽ làm cá bị cay mắt, choáng váng ngay lập tức nổi lên mặt nước. Cứ như vậy, người dân chỉ việc dùng tay bắt, đủ mọi loại cá.
Đứng trước tình trạng cá mát đang dần cạn kiệt, năm 2018, chính quyền xã Tam Hợp sau nhiều cuộc họp đã quyết định bảo vệ đàn cá bằng hương ước. “Sau khi xây dựng đề án, chúng tôi đưa xuống từng bản họp dân và người dân rất hưởng ứng. Sau đó chúng tôi yêu cầu người dân ký cam kết tuân thủ theo hương ước”, bà Kha Thị Hà – cán bộ xã Tam Hợp kể.
Theo đó, xã Tam Hợp liệt kê nhiều đoạn khe, suối cá mát thường sinh sống để cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức, dù là câu. Tại các đoạn suối này, các biển cấm được cắm dày đặc. Ngoài ra, xã cũng cho lắp 6 camera để giám sát.
Đối với các đoạn khe, suối còn lại, người dân trong xã được đánh bắt nhưng việc đánh bắt tận diện như dùng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác làm chết hàng loạt các loài thủy sản như dùng lá cây cơi bị cấm. Ngoài ra, những người ngoài địa bàn xã vào đánh bắt thủy sản trong địa bàn xã Tam Hợp dưới bất cứ hình thức nào đều bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Những trường hợp đánh bắt trái với quy ước, hương ước như dùng kích điện, thuốc nổ ngoài xử phạt cũng sẽ bị tịch thu dụng cụ. Người dân đi chài, đi câu, đi xúc, đi lưới khu vực cấm sẽ bị xử phạt 700.000 - 1.000.000 đồng lần 1; lần 2 sẽ bị xử phạt 2.000.000 đồng.
Để phát hiện người vi phạm, ngoài các camera giám sát đã được lắp đặt, chính quyền xã Tam Hợp còn thành lập các tổ an ninh ở từng bản. Những tổ này có nhiều vụ thường xuyên tuần tra, giám sát dọc các khe, suối. “Ngoài ra, quy định này cũng được người dân hưởng ứng nên họ thường xuyên trình báo kịp thời khi thấy có người vi phạm”, ông Lê Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp nói.
Người dân hưởng lợi
Chỉ sau một thời gian ngắn đưa việc bảo vệ cá mát vào hương ước, những dòng suối, con khe ở xã Tam Hợp đã thay đổi rõ rệt. Nhận thấy việc bảo tồn có hiệu quả, nhiều xã lân cận cũng bắt đầu học tập, trong đó có xã Tam Quang. Xã này cũng gần như bê nguyên bản hương ước từ xã Tam Hợp để áp dụng nhằm bảo vệ đàn cá mát ở 2 bản Tùng Hương và Tân Hương. Bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho hay, trước đây khe Thơi là một trong những khe có nhiều cá mát sinh sống nhất. Ngoài ra, cá mát ở khe Thơi được đánh giá ngon và sạch, do dọc hai bên khe và ở thượng nguồn không có dân cư sinh sống. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, cá ở con khe này dần cạn kiệt vì bị đánh bắt quá mức.
Xã Tam Quang sau đó quyết định cấm đánh bắt dưới mọi hình thức với khoảng 5 km khe Thơi đoạn qua 2 bản Tùng Hương và Tân Hương. Ngoài ra, những đoạn khe, suối còn lại cũng bị nghiêm cấm đánh bắt bằng các hình thức tận diệt. Việc giám sát được tiến hành một cách nghiêm túc. “Loài cá này sinh sôi nhanh lắm. Mới chỉ hơn 1 năm thực hiện đề án bảo tồn nhưng hiệu quả đã rất rõ rệt. Vừa rồi chúng tôi cho người thử xuống bắt, chỉ cần dùng tay không nhưng mới nửa tiếng đã bắt được mấy cân cá”, bà Hiền tự hào nói.
Nhờ việc bảo vệ có hiệu quả, cá từ các khu vực cấm bơi ra các khu vực khác ngày càng nhiều, vì thế, người dân cũng đánh bắt được nhiều hơn trước. Trong khi trước đây, mỗi cân cá mát có thời điểm lên tới 500.000 đồng vẫn không có để mua thì bây giờ, cá mát đã được bán đầy khắp chợ, ven đường. Ngày trước, cũng vì khan hiếm cá mát, nhiều nhà hàng thậm chí dùng các loại cá giống khác để lừa thực khách. Tuy nhiên, bây giờ cá mát chỉ ở mức giá từ 200.000 - 350.000 đồng.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tam Quang, theo quy định của hương ước, hằng năm, vào dịp trước tết Nguyên đán, UBND xã sẽ phối hợp với 2 bản Tùng Hương và Tân Hương tiến hành tổ chức lễ hội bắt cá để phân chia cho nhân dân làm lễ Tết theo phong tục, tập quán. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt quan trọng cần vận dụng nguồn cá để giải quyết nhiệm vụ công việc thì có văn bản trình UBND xã xem xét.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, việc bảo tồn cá mát bằng hương ước rất có hiệu quả. Chính vì thế, đến nay hầu hết các xã trên địa bàn có khe, suối đều đã học tập xã Tam Hợp để triển khai theo. “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các xã này để hướng dẫn xã có kế hoạch cho người dân thu hoạch cá một cách bài bản, khoa học, chứ cũng không thể cấm mãi. Cần phải làm thế nào để có lợi cho người dân thì họ mới hưởng ứng”, ông Kha nói.
Trong khi đó, ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết, đến nay trên địa bàn huyện đã có 3 xã đưa việc bảo vệ cá mát vào hương ước, bước đầu đã cho thấy nhiều kết quả tích cực.