(Baonghean) - Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, Yên Thành được biết đến là cái nôi của dân ca ví, giặm. Từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các cộng đồng làng, xã Yên Thành luôn chắt chiu, gìn giữ và truyền lửa cho Dân ca ví, giặm - một di sản văn hóa của quê hương mãi trường tồn và ngân vang.
Yên Thành là một vùng đất cổ. Các cộng đồng làng, xã Yên Thành từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau bởi tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch họa, vượt lên gian khó. Từ trong lao động, khát vọng sống của người Yên Thành đã hình thành nên những làn điệu dân ca ví, giặm kỳ diệu, ngọt ngào, tình tứ mà sâu lắng.
Theo các nghệ nhân cao niên thì làng nào ở Yên Thành cũng biết hát dân ca ví, giặm. Loại hình văn hóa đặc biệt này dạt dào như nước sông Dinh không bao giờ cạn. Mạch sống của làn điệu dân ca, ví, giặm cũng không khi nào nhạt phai, dù đã trải qua bao đời người và bao nhiêu biến động thời thế.
Không ở đâu như ở Yên Thành, người dân từ trẻ tới già, ai cũng có thể hát dân ca ví, giặm nhuần nhị và ngọt ngào, say đắm lòng người đến thế. Về với Yên Thành là về với miền ví, giặm, với những làn điệu dân ca đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm tình người của những người nông dân chân chất, một nắng hai sương với ruộng đồng. Họ hát bằng niềm đam mê, gửi vào đó tình yêu với con người, quê hương,đất nước và cuộc sống lao động của mình. Hiện nay, dân ca ví, giặm ở vùng đất quê lúa ngày càng phong phú và sinh động, là nguồn cảm hứng bất tận của người dân Yên Thành, nhất là dịp Tết đến, Xuân về….
Ông Đặng Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Yên Thành cho biết: Để bảo tồn, trao truyền và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, năm 2009 Trung tâm văn hóa huyện Yên Thành đã chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ (CLB) Dân ca ví, giặm. Hiện toàn huyện có 5 câu lạc bộ ở các xã Phúc Thành, Đồng Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Hợp Thành.
Mỗi câu lạc bộ thu hút từ 25 đến 30 người tham gia. Nòng cốt hoạt động của câu lạc bộ là các nghệ nhân và cán bộ chuyên môn của Trung tâm văn hóa trực tiếp đến từng CLB chỉ đạo và tập luyện. Kinh phí hoạt động do Trung tâm văn hóa huyện và xã hỗ trợ. Ngoài ra chúng tôi còn đi các địa phương để phát hiện và bồi dưỡng những mầm non năng khiếu. Đồng thời từng bước đưa dân ca vào trường học và phát triển thêm các CLB.
Hiện nay dân ca ví, giặm ở Yên Thành không chỉ phát triển trong các thôn xóm mà đã nâng tầm lan tỏa ra cộng đồng. Từ năm 2012 đến năm 2014 tại các cuộc liên hoan CLB dân ca ví, giặm do tỉnh tổ chức, 3 câu lạc bộ của các xã Phúc Thành, Đồng Thành, Viên Thành luôn đạt giải cao.
Hiện nay ở Yên Thành có 4 nghệ nhân được Nhà nước tôn vinh nghệ nhân dân gian - là báu vật nhân văn sống, gìn giữ và trao truyền dân ca ví, giặm xứ Nghệ trong cộng đồng qua các thế hệ. Đó là các nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt. Trần Quốc Minh, Nguyễn Cảnh Sơn (Đồng Thành) và Mai Trúc, Quốc Tứ (Viên Thành).
Tiếp xúc và trò chuyện với nghệ nhân dân gian ở Yên Thành, chúng tôi hiểu rằng trong từng mạch máu của họ luôn căng tràn tình yêu với dân ca ví, giặm. Những người nghệ nhân ấy dường như được dân ca ví, giặm sinh ra để rồi suốt cuộc đời rong ruổi rộng dài theo câu hát dân ca ấy, để gìn giữ, chắt chiu và truyền lửa cho một di sản văn hóa của nhân loại.
Điển hình như nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt (SN 1948) ở xã Hoa Thành. Phần lớn cuộc đời ông Phiệt là đi dạy hát, dàn dựng các vở kịch dân ca ví, giặm cho các đội văn nghệ các xã, huyện. Nay đã về hưu, nhưng ông Phiệt vẫn được các xã và lãnh đạo huyện mời đi dàn dựng các chương trình văn nghệ, xây dựng câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các xóm. Không dừng lại đó, ông Phiệt còn đi dạy hát dân ca, ví, giặm miễn phí ở các trường học. Ông tâm sự: “Mình làm rứa cũng là mục đích để “truyền lửa” dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ”.
Theo chân nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt, chúng tôi đến thăm CLB dân ca ví, giặm ở xã Đồng Thành. Đầu tháng 12 (năm Giáp Ngọ) vừa qua, người dân bận rộn vào vụ cấy, nhưng đêm về các câu lạc bộ dân ca ví giặm của xã vẫn hăng say tập luyện câu ví, giặm vẫn ngân vang trong đêm trăng miền quê yên bình.
Chị Nguyễn Thị Thắng (45 tuổi) - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Các thành viên CLB đều là nông dân. Chúng tôi đến với CLB bằng tình yêu nghệ thuật đơn thuần. Chúng tôi sẵn sàng bỏ dở việc đồng áng, gửi lại con thơ để tập luyện phục vụ bà con. Được lên sân khấu là chúng tôi như quên hết tất cả để hoá thân vào nhân vật. Đến nay, CLB đã giành được rất nhiều giải thưởng của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh qua các cuộc thi về dân ca ví giặm”.
Chúng tôi đã đến nhiều làng quê của quê lúa Yên Thành, đi đến đâu cũng được nghe những làn điệu dân ca ví, giặm cất lên ngọt ngào, sâu lắng làm lay động lòng người. Câu hát lan tỏa in dấu ấn về một vùng đất văn hóa, địa linh nhân kiệt, mang đặc trưng riêng trong lòng xứ Nghệ…
Tiến Dũng (CTV)