(Baonghean) - Thành phố Vinh có bao nhiêu con đường ngay từ tên gọi đã định hình cả dáng vóc, sự sống, sức phát triển của nó? Kể sơ thì có đường Chu Văn An, với 3 trường học tọa lạc; đường Phượng Hoàng dẫn tới quần thể di tích Phượng Hoàng - Trung Đô; đường Văn Thánh nằm sát bên di tích Văn Thánh Vinh xưa… Không nằm ngoài liên tưởng phố ấy, đường Tôn Thất Tùng cũng là điểm đến khá thú vị…

Đường Tôn Thất Tùng là một trong những tuyến nội đô Thành Vinh có nét đặc trưng dễ nhận thấy. Đường dài độ 2 cây số, mỗi khúc đường hiện hữu những nhịp sống khác nhau, vừa xôn xao sôi động đầu mặt phố, thoắt đã bình lặng yên ả rồi dặt dìu hương đồng nội quãng về cuối đường - nơi dọc hai bên vẫn còn mông mênh ruộng đồng,… 
 
images1135200_3.jpgQuang cảnh đường Tôn Thất Tùng.
 
Cái sự liên tưởng phố thì tên đường Tôn Thất Tùng quả là hợp tình, hợp cảnh với sự hiện diện của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, những tiệm thuốc, hàng dụng cụ y tế cũng như phòng khám, chữa bệnh tư nhân. Chắc hẳn người phố ấy, ai mà chẳng biết đến nguồn gốc, ý nghĩa của tên đường mình sinh sống, buôn bán; và mỗi lần qua phố, dẫu là ghé hàng ăn sáng hay lê la cà phê tán gẫu, thì tôi vẫn không thể ngưng liên tưởng mọi sự hòa hợp với tên đường. Thế mới biết, nhiều khi định danh không giản đơn là có cái để gọi, để nhớ, mà còn nặng ý nghĩa giáo dục, uốn nắn tâm thế người phố, sao cho xứng với danh xưng trọng vọng ấy.
 
Quãng đầu phố lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc mãi về khuya. Chẳng nơi đâu mà quy luật “sinh- lão- bệnh- tử” lại “ứng” đúng như ở khu vực tập trung nhiều bệnh viện, phòng khám như thế này. Đủ các phương tiện ngược xuôi chen chúc trước địa chỉ số 19 đường Tôn Thất Tùng- nơi đóng đô của Bệnh viện Sản- Nhi Nghệ An, nút giao thông tứ mùa cao điểm, gây không ít phiền nhiễu trong sinh hoạt đô thị. Mỗi phương tiện chở trĩu nặng những gương mặt ẩn nhiều cảm xúc. Tôi nhiều lần đi qua phố ấy, bất kể cữ giờ nào, cũng dễ mà bắt gặp cảnh tượng mẹ cha lo âu, tất tưởi bế con chạy xộc vào cổng viện, cả những giọt nước mắt, nụ cười, buồn - vui… trải trên con đường đông đúc. Hẳn người phố cũng nhiều lần như tôi, thấy lòng mình chùng lại trước nhịp đời muôn màu, muôn vẻ ấy.
 
Đường Tôn Thất Tùng nằm lọt trong tâm vùng Yên Dũng Thượng xưa, nay thuộc phường Hưng Dũng. Địa danh Yên Dũng Thượng vốn giàu hào khí, với lịch sử ghi nhiều dấu tích của nền văn minh Đông Sơn và được ví là “phên dậu”  trong giai đoạn Hoàng đế Quang Trung ra Nghệ An xây dựng kinh đô. Độ hai thập niên gần đây, cùng với sự phát triển chung, vùng Yên Dũng Thượng khấm khá, đổi sắc từng ngày. Đường Tôn Thất Tùng, trong trí nhớ người bản địa, mấy chục năm trước là đồng ruộng, bãi mía, đồng dâu…, nay cũng ngời khí thế mới. Nhà cao tầng san sát bề thế, diện tích nông nghiệp thu hẹp dần, nhường chỗ cho các cửa hàng, cửa hiệu, dịch vụ buôn bán sôi động. Vị trí đắc địa gần Trường Đại học Y khoa Vinh và hàng loạt các bệnh viện công tư đã mang đến cho cư dân đường Tôn Thất Tùng nhiều cơ hội làm ăn nhịp mới, trong đó, phải kể đến dịch vụ cho thuê phòng trọ. Nhiều dân phố này nhãng dần, rồi bỏ hẳn cơ nghiệp nhà nông để chuyển sang khai thác nhu cầu dồi dào của lượng sinh viên và các hộ gia đình trẻ lập thân, lập nghiệp. Dịch vụ lớn nhỏ kèm theo như hàng ăn, hàng tạp hóa… cũng tấn tới đi lên, khoác lên con đường dẫn ra cánh đồng thuở nào còn heo hút, vắng lặng vẻ phố xá năng động, hợp thời.
 
Hiếm con đường nào như đường Tôn Thất Tùng với thân phận nhiều khúc quanh, ngã rẽ, hằn in từng bước phát triển của một vùng đất anh dũng kiên cường. Nhịp phố quãng đầu sôi động là thế, chợt khẽ dùng dằng ở nhịp hai, đoạn ngã ba giao với đường Nguyễn Gia Thiều và một nhánh đổ ra Phong Định Cảng. Góc này có hiện diện nhà hàng Việt Đức, nhưng chút đông đúc vào ra chốn quán xá dường như vẫn không át đi sắc diện bình lặng của đường. Nối thêm nữa, là đến quãng vắng vẻ hun hút ra đồng, gợi nhớ đến không gian của mấy chục năm về trước.
 
Nhiều người vẫn nói đùa với ý ngầm khen, rằng đường Tôn Thất Tùng, chiếu theo phong thủy, thì có dáng “nở hậu”. Nghĩa là hẹp trước, rộng sau, mà cũng có thể ngầm hiểu rằng rồi mai đây, quãng cuối đường với đồng bãi hoang vắng này, sẽ phất lên thành “địa ốc vàng” của thị trường bất động sản. Thì nói đâu xa, giờ cuối con đường nhựa phẳng lì, trước khi đổ ra tuyến đường đất đến các khu dân cư nông nghiệp phía sau, đã có mặt Ban quản lý dự án Đồng Dâu - Dự án nhà ở, chung cư dành cho người thu nhập thấp. Đã rõ nét vài công trình xây dựng, đã phân lô, chia nền rành mạch, im lìm nằm trong sự yên ả cánh đồng chiều. Im lìm, nhưng không buồn bã, mà vẻ như nhẫn nại đợi chờ khi thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, vùng đất này sẽ thay da, đổi thịt mấy hồi.
 
Cư dân đường Tôn Thất Tùng còn được tận hưởng nhiều điều thú vị mà cư dân nơi khác hiếm khi có được. Ấy là những chuyến bay cất cánh từ sân bay Vinh vun vút xé gió lao qua. Chiều chiều, gió từ đồng thổi về mát rượi, người già ở phố vẫn nhẩn nha kéo ghế ngồi tán gẫu với nhau trước cổng nhà, thi thoảng ngóng lên bầu trời bất tận mà khẽ mỉm cười trước nhịp thời đại đổi thay...
 
 Phước Anh
Giáo sư Bác sỹ Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) là một bác sỹ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ông sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa), nhưng ông không theo nghiệp học làm quan, do đó vào năm 1931, ông ra Hà Nội theo học tại trường Trung học Bảo Hộ (tức Trường Bưởi - Trường Chu Văn An ngày nay).
 
Năm 1935, ông học tại Trường Y khoa Hà Nội, một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương, với quan niệm nghề y là một nghề "tự do", không phân biệt giai cấp. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, Hội viên Hội các nhà phẫu thuật Lyon (Pháp), Thành viên Hội Quốc gia các nhà phẫu thuật Algieri. Ông còn là một giáo sư, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Trường Đại học Y Hà Nội.
 
Ông còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bây giờ), nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa - Trường Đại học Y Hà Nội. Ông là tác giả của "Phương pháp cắt gan khô" hay "Phương pháp Tôn Thất Tùng" nổi tiếng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII và giữ chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tên ông được đặt cho nhiều con đường trong cả nước.