Ngay cả trong cuộc đối thoại mới đây nhất giữa chính quyền huyện Đô Lương, xã Quang Sơn, ngành Giáo dục vào chiều ngày 13/11, ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cũng đã nêu rõ quan điểm, chủ trương nhất quán của chính quyền địa phương là sáp nhập các điểm lẻ vào trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và bày tỏ mong muốn người dân sẽ thấu hiểu, nhận thức đúng mục đích của các cấp chính quyền, sớm đưa con em đến trường vì tương lai lâu dài của các cháu.
Về vấn đề một số phụ huynh căn cứ vào Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định về độ dài đường đi của học sinh đến trường đối với khu vực nông thôn không quá 1 km để buộc chính quyền địa phương giữ lại điểm trường cũ, ông Nguyễn Minh Hạnh cũng đã giải thích: quy định này áp dụng vào địa bàn Đô Lương nói riêng, đặc thù địa hình của tỉnh Nghệ An nói chung là không phù hợp. Bởi nếu theo Điều lệ trường học thì có nhiều xã phải xây dựng nhiều trường tiểu học.
Đơn cử như xã Lam Sơn suốt dọc chiều dài của xã là 9 km, nếu chiếu theo Điều lệ trường học thì xã này phải có đến 8 trường mầm non và tiểu học; các xã Tràng Sơn, Thượng Sơn, Minh Sơn, Thái Sơn cũng 3 – 5 trường tiểu học...
Vấn đề đặt ra là nếu thực hiện đúng Điều lệ trường học thì địa phương lấy nguồn lực đâu để xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị dạy và học theo tiêu chí đạt chuẩn cho trường học? Đó là chưa kể phải có đủ số học sinh để bố trí đủ lớp? Như ở làng Văn Hà, mỗi lớp cũng chỉ có từ 17-25 học sinh. Hơn nữa như ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng Giáo dục huyện bày tỏ: Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, để thực hiện “3 mục tiêu” của giáo dục nói chung và giáo dục bậc tiểu học nói riêng, về tăng cường công tác quản lý; về tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; về thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục bậc tiểu học là vừa học, vừa chơi… thì không có cách nào khác phải quy về một mối.
Tại trường mầm non Thái Sơn - việc sáp nhập điểm trường tạo điều kiện tốt hơn cho các em học tập
Ấy thế mà một số người dân làng Văn Hà, mà phần lớn là những người không có con trong độ tuổi mầm non và tiểu học khăng khăng “nhất định con cháu chúng tôi phải được học tại trường làng” và tuyên bố “sẵn sàng đóng góp xây dựng trường hai, ba tầng tại điểm lẻ” cho dù trước đó chính họ đã biện lý do kinh tế khó khăn, không có tiền đổ xăng chở con đi học. Trong khi chỉ cần nhìn vào thực tế xuống cấp, xập xệ của điểm trường lẻ hiện nay cũng đủ biết tinh thần đóng góp xây dựng trường lớp của họ những năm qua thể hiện như thế nào, sự quan tâm đến môi trường học tập của con cái ra sao.
Trong quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi đã xác định được, sở dĩ sự việc tại làng Văn Hà “từ con trảy nảy ra cục u” là bởi trong làng có một số phần tử xấu, đứng đằng sau kích động, giật dây. Họ còn dùng đủ mọi cách để đe dọa, cô lập, chửi bới, xúc phạm những gia đình đưa con đi học trở lại như, không cho vào tổ xây, kích động chồng đánh vợ khi ông ngoại chở cháu đi học…
Trong khi ngành Giáo dục và toàn xã hội đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để trẻ được học tập trong môi trường giáo dục “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì các bậc làm cha, làm mẹ ở làng Văn Hà lại đang tự tước đi niềm vui đó của con em mình.
Một số phụ huynh làng Văn Hà vẫn chưa nhận thức hết nguy cơ thất học của con cháu và việc làm sai trái của mình
Việc cản trở không cho con em đến trường học tập của phụ huynh và nhiều người lớn tuổi không có con trong lứa tuổi tiểu học, mầm non làng Văn Hà đã vi phạm vào các Điều 8, 9 Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc; Mục 8, Điều 7 (Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em Việt Nam) nghiêm cấm hành vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”; Điều 94, Luật Giáo dục Việt Nam năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường. 2. Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”.
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào luật pháp quốc gia đã được ban hành hay sửa đổi, bổ sung đều quan tâm đến quyền lợi của trẻ em. Trong đó quyền được học tập là một quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiến pháp 1992 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Cùng với hiến pháp, quyền này còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004 khẳng định tại Điều 16:“Trẻ em có quyền được học tập”. Theo quy định của pháp luật Việt Nam: Mọi trẻ em không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập và được nhà nước tạo điều kiện cho học tập. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” Với mục tiêu đó, trẻ em có quyền và được tạo điều kiện tiếp cận một nền giáo dục cơ bản, toàn diện và có chất lượng để trở thành một thế hệ công dân mới có đức, có tài tiếp bước truyền thống cha anh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: “Ở khía cạnh pháp lý, hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập đã vi phạm Công ước về quyền trẻ em 1989 mà Việt Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990. Hành vi này còn vi phạm quy định tại Điều 94, Luật Giáo dục 2005: “Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Với hành vi này, những người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22, Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập”. Tại Mục 2 Điều 30, Chương II Nghị Định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cấm cản trở quyền học tập của trẻ em như sau: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; b) Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học”. Ở khía cạnh xã hội, việc cản trở đi học của người học các cấp học phổ cập cũng đáng lên án vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội và chính sách của địa phương”. |
Rõ ràng, chăm lo giáo dục là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường, xã hội; là thể hiện lương tâm, trách nhiệm của người lớn đối với tương lai con trẻ. Các bậc phụ huynh làng Văn Hà phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện quyền được học tập và phát triển lâu dài của con em mình. Các bậc phụ huynh có biết, họ đang bị lợi dụng dùng sự học của con trẻ để “mặc cả”, ra điều kiện buộc chính quyền phải đáp ứng yêu cầu của một số cá nhân nuôi tư tưởng thể hiện uy quyền của một làng “tự trị”, chống đối lại chủ trương của địa phương một cách có hệ thống?