(Baonghean) - Quyền được học tập là quyền cơ bản nhất của trẻ em được pháp luật bảo hộ, được qui định trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc, Luật Giáo dục, Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em Việt Nam. Thế nhưng, người dân Làng Văn Hà xã Quang Sơn, Đô Lương lại tự cho mình cái quyền đi ngược lại tất cả những qui định đó. Họ đã cố tình đồng loạt cho con nghỉ học hàng tháng trời để gây sức ép, phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ vào điểm trường chính mặc dù chính quyền địa phương và ngành Giáo dục đã kiên trì vận động, thuyết phục….
Việc sáp nhập điểm lẻ tại làng Văn Hà vào điểm trường chính của chính quyền địa phương là một chủ trương hoàn toàn đúng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 – 2015 về mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Quang Sơn đạt chuẩn mức độ II và Thông báo số 87 của UBND huyện Đô Lương về việc giao chỉ tiêu cho Trường Tiểu học Quang Sơn trong năm học 2013 – 2014 được bố trí 14 lớp học (rút xuống 2 lớp so với năm học 2012 – 2013).
Chủ trương này đã được UBND, phòng Giáo dục huyện Đô Lương đồng tình vì vừa khắc phục các điểm trường, lớp lẻ, tăng cường công tác quản lý, giám sát trong hoạt động của nhà trường; vừa tạo cơ hội cho học sinh được bình đẳng học tập, vui chơi trong một môi trường chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời phù hợp với qui hoạch mạng lưới trường lớp và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh.
Thế nhưng một số phụ huynh và người dân làng Văn Hà đã bất hợp tác với chính quyền và ngành Giáo dục, phản đối chủ trương sáp nhập bằng cách cho con em nghỉ học hàng tháng trời, ngay cả trẻ nhỏ ở cụm điểm mầm non ngay trong làng, không liên quan gì đến việc sáp nhập trường, cũng bị lôi vào cuộc, bị bắt nghỉ học ở nhà cho đã “cơn nư ăn - thua” của bố mẹ.
Cần phải nói thêm rằng, sau khi Nghị quyết của Đảng ủy xã và HĐND xã Quang Sơn được thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có chủ trương sáp nhập 3 lớp học tại điểm lẻ ở làng Văn Hà về trường trung tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã có công văn gửi chi ủy các xóm 8, 9,10 và Trường Tiểu học Quang Sơn để thông báo công khai về chủ trương sáp nhập trường. Đồng thời, phối hợp với nhà trường cử các đoàn về trực tiếp làm việc, tuyên truyền, vận động bà con; nhiều lần tổ chức đối thoại giữa cán bộ cấp xã, huyện, ngành Giáo dục với phụ huynh. Các cấp chính quyền và ngành Giáo dục cũng đã nỗ lực tìm những giải pháp cụ thể cho những băn khoăn của phụ huynh.
Những đứa trẻ làng Văn Hà hồn nhiên theo người lớn đến đối thoại mà không biết quyền được học tập của mình đã bị tước đoạt.
Ví như: về vấn đề đường sá đi lại khó khăn, mặc dù chưa có điều kiện đổ bê tông nhưng xã cũng đã cho đổ đá dăm và nói rõ nếu trời mưa lụt sẽ cho học sinh nghỉ học, sau đó dạy kèm đầy đủ. Về lí do trẻ em ở độ tuổi lớp 1,2,3 sức khỏe yếu, cha mẹ bận làm ăn không có thời gian và không đủ tiền xăng xe để đưa đi đón về mấy lượt trong ngày (quãng đường từ điểm lẻ đến điểm trường chính chỉ cách 2km, mất khoảng 10 phút đi xe máy- PV), ngành Giáo dục cũng đã đưa ra giải pháp là bố trí cho các cháu ăn bán trú có hỗ trợ một phần kinh phí.
Thậm chí nhiều giáo viên trong làng còn tình nguyện giúp các bậc phụ huynh đưa đón học sinh đi học. Trước những thông tin cho rằng xã sẽ bán đất ở cụm trường lẻ, ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn đã nhiều lần khẳng định trước bà con: “HĐND xã Quang Sơn đã có Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 30/7/2013 về việc sau khi đưa học sinh tiểu học lớp 1,2,3 từ điểm lẻ về điểm trường chính, thì diện tích khuôn viên của điểm lẻ sẽ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo thành điểm trường mầm non với qui mô 3-4 lớp. Còn khuôn viên của điểm trường mầm non hiện nay sẽ chuyển chợ cóc vào hoặc hình thành khu vui chơi cho người dân làng Văn Hà, hoàn toàn không có chuyện mua bán đất ở đây”.
(Còn nữa)
Nhóm PV