(Baonghean) - Thiếu vốn, trường học xây dựng dở dang là một trong những rào cản khiến cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Tân Kỳ không đạt kế hoạch đề ra…

Trong phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, Nghĩa Đồng là một trong những xã đi đầu với 4/4 trường đạt chuẩn ở cả ba cấp học, riêng Tiểu học Nghĩa Đồng 2 đạt chuẩn mức 2. Đến thăm Trường THCS Nghĩa Đồng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của một trường miền núi.

Thầy Nguyễn Văn Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm 2005, thông qua nguồn huy động xã hội hóa và nguồn hỗ trợ của xã, trường đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng lại cơ sở vật chất. Hiện toàn bộ khuôn viên nhà trường có diện tích gần 22.000m2 với rất nhiều cây xanh. Trường có 20 phòng học kiên cố, 4 phòng học bộ môn đạt chuẩn, có kho thiết bị dùng chung, thư viện và phòng đọc giáo viên, phòng đọc cho học sinh,  phòng đa chức năng, phòng truyền thống. Nhà trường cũng đã trang bị 50 máy vi tính (trong đó 30 máy phục vụ dạy học và 30 máy kết nối Internet), 4 máy chiếu Projector phục vụ dạy học và hội thảo, chuyên đề…

Ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: “Những năm qua xã luôn dành phần lớn nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; Tranh thủ mọi hình thức để huy động xã hội hóa như kêu gọi các nhà hảo tâm, trích từ kinh phí có được từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay vận đóng sự đóng góp của người dân”.

images874428_k3.jpgHọc sinh Trường Tiểu học Tiên Kỳ (điểm trường Diễn Nam) đang phải học trong phòng học tạm.
Tuy vậy, những địa phương làm được như Nghĩa Đồng không nhiều. Hiện toàn huyện đang còn 128 phòng học xuống cấp, 128 phòng chức năng, 100 công trình vệ sinh chưa đạt chuẩn, thiếu 72 công trình vệ sinh dành cho học sinh.  Ngoài ra, còn có 12 công trình của chương trình kiên cố hóa trường học đang xây dựng dở dang do hết vốn. Đến Trường Tiểu học Tiên Kỳ, một trong những ngôi trường đang “đợi” vốn đầu tư, cô Trần Thị Hoa - Hiệu Phó nhà trường cho biết: “Năm 2010, nhà trường được phê duyệt nâng cấp theo chương trình kiên cố hóa trường học. Dự án đã chỉ định thầu cho Công ty Hồng Châu, nhưng từ đấy đến nay không triển khai được một hạng mục nào”.
 
Điều đáng nói, thời điểm đó vì nghĩ dự án sẽ được triển khai nhanh nên nhà trường đã thuê máy ủi về giải phóng mặt bằng, phá mất 3 phòng học và phòng thư viện. Công trình mới chưa biết khi nào xong, công trình cũ không còn, nhà trường lâm vào cảnh thiếu thốn cơ sở vật chất. Toàn trường có 3 điểm, điểm chính được coi là khang trang nhất thì 19/19 phòng đã xuống cấp. Riêng 2 điểm lẻ thì xuống cấp trầm trọng. Tại điểm trường Diễn Nam, cô Đậu Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 3D lo lắng: “Điểm trường này có 5 lớp, đều xây dựng từ năm 90 trở về trước. Do trường xây quá lâu nên toàn bộ phần ngói lợp, phần cót ép đã hư hỏng. Trời mưa phòng dột, không đủ lớp cho các em, chúng tôi phải dồn phòng, ghép lớp rất chật chội”. 
 
Trước đó, một phần Trường Tiểu học Dũng Hợp (xã Nghĩa Dũng) cũng bị phá dỡ để xây dựng trường mới theo chương trình kiên cố hóa trường học. Nhưng mới chỉ xây được phần thô thì hết vốn nên hơn 100 học sinh của trường phải “chia năm sẻ bảy” học trong các phòng học tạm và nhà văn hóa xóm. Các trường học khác như Trường THCS Nghĩa Phúc, Trường Mầm non Giai Xuân, Tiểu học Hương Sơn nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp học cũng đang xây dựng dở dang, các trường học còn lại thì đang ở mức độ giải phóng mặt bằng. Điều này đã làm “chậm tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, làm cho các xã, các địa phương bị động trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường lớp”, ông Trịnh Hữu Thành, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Kỳ cho biết.
 
Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng được trường đạt chuẩn như Tân Hợp, Đồng Văn, Tiên Kỳ, Nghĩa Hợp. Một số xã chỉ mới có một trường đạt chuẩn là Nghĩa Phúc, Nghĩa Thái, Tân An, Kỳ Sơn, Kỳ Tân, Thị trấn, Nghĩa Bình, Hương Sơn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hành. Nguyên nhân, một phần do cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế nên cơ sở vật chất trường học không được đầu tư nâng cấp.
 
Chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, ít nhất từ nay đến năm 2015, ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ phấn đấu xây dựng được 17 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nếu không huy động được toàn xã hội tham gia thì rất khó thực hiện.
 
Ông Trịnh Hữu Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Kỳ cho biết: Phòng sẽ tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời tăng cường quản lý, chỉ đạo sâu sát đến các đơn vị trường học. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ cho Đảng bộ, chính quyền, phụ huynh và nhân dân về công tác xây dựng trường chuẩn, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực đóng góp, tham gia vào công tác giáo dục. Tăng cường sự phối hợp, tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội…”.
 
Mỹ Hà