Nga triển khai thêm tên lửa S-400 đến Crimea sau vụ bắt tàu Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ sớm triển khai thêm một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 đến bán đảo Crimea. Tổ hợp này sẽ đi vào vận hành tác chiến vào cuối năm nay. Tuyên bố được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra trong bối cảnh Ukraine vừa quyết định lệnh thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại các khu vực giáp biên giới Nga, nhằm đáp lại việc cảnh sát biển Nga bắt ba tàu hải quân của nước này trên Biển Đen hôm 25/11.
Nga hiện triển khai ba tiểu đoàn S-400 trấn giữ tại các địa điểm trọng yếu của Crimea như thành phố cảng Sevastopol, Feodosiya và Evpatoria, sẵn sàng bảo vệ không phận bán đảo trước mọi nguy cơ tấn công. Được đưa vào biên chế từ năm 2007, S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới của Nga, có khả năng đánh chặn mục tiêu đường không từ khoảng cách 400 km và tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 60 km. Một tổ hợp S-400 được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau, có thể tiến công tới 36 mục tiêu cùng lúc.
Iran hết kiên nhẫn với EU trong mua bán dầu mỏ
Người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử của Iran Ali Akbar Salehi cho biết nước này có thể tiếp tục làm giàu uranium đến 20% độ tinh khiết – mức cao hơn để thúc đẩy các nhà máy điện dân dụng - nếu không thấy lợi ích kinh tế của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong cuộc họp với Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini tại Brussels, Bỉ, ông Salehi nói rằng nếu không thể bán dầu và không được hưởng lợi từ các giao dịch tài chính, Iran sẽ không nghĩ tới việc giữ lại thỏa thuận hạt nhân với EU.
Ông Salehi hoan nghênh kế hoạch của EU để thiết lập một phương tiện tài chính đặc biệt cho thương mại phi USD với Iran nhưng chưa thấy bất kỳ kết quả hữu hình nào có thể đảm bảo cho xuất khẩu dầu của Iran. Người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử của Iran cũng nhấn mạnh sự kiên nhẫn của người dân Iran ngày càng cạn dần.
Duterte hứng chỉ trích vì kế hoạch lập "biệt đội tử thần"
Những người cánh tả và một số nhà lập pháp ở Philippines ngày 28/11 chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte đang làm trầm trọng thêm tình trạng sợ hãi khi tuyên bố sẽ thành lập "biệt đội tử thần" nhằm tiêu diệt những thành viên của Quân đội nhân dân mới (NPA), lực lượng từng tiến hành các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ ở Philippines trong nhiều thập kỷ qua.
Duterte tuyên bố các sát thủ của ông sẽ loại bỏ "những con chim sẻ" của NPA, đội quân từng được triển khai để giết cảnh sát trong những năm 1970-1980.
Jose Maria Sison, một cựu lãnh đạo đối lập đang sống lưu vong, phủ nhận sự tồn tại của những sát thủ "chim sẻ" và cho rằng Duterte lấy đó làm cái cớ để giết phiến quân Maoist bị nghi nổi dậy.
Ông cũng so sánh kế hoạch này với chiến dịch chống ma túy đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng của Duterte. "Ông ấy tự cho mình lý do để thành lập biệt đội tử thần riêng. Bất cứ ai bị nghi ngờ đều có thể bị giết vì cảnh sát được phép giết người", Sison nói.
EU tiếp tục "ép" Italy sửa đổi dự thảo ngân sách
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng việc Italy đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm tới xuống còn 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn không đủ điều kiện để có thể tránh các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Tỉnh Okinawa, Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ngày 24/2/2019 về việc tái bố trí một căn cứ Không quân Mỹ trong tỉnh. Tỉnh trưởng Tamaki Denny, người được bầu trong cuộc bầu cử Tỉnh trưởng hồi tháng 9/2018 vừa qua, phản đối kế hoạch tái bố trí Căn cứ Không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ đến khu vực duyên hải Henoko ở thành phố Nago.
Trước đó, ngày 31/10, tỉnh Okinawa thuộc phía Tây Nam Nhật Bản ra chỉ thị kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch tái bố trí căn cứ Mỹ của chính quyền trung ương. Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng, tức là trước cuối tháng 4/2019. Dự kiến 41 đơn vị hành chính trong tỉnh sẽ cung cấp nhân lực phục vụ trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, 4 thành phố, trong đó có thành phố Ginowan nơi có căn cứ Futenma, vẫn chưa công bố có tham gia hay không. Giới chức của tỉnh đang nỗ lực phối hợp với 4 thành phố nói trên để tổ chức trưng cầu dân ý tại mọi đơn vị trong tỉnh.
Gần 1 triệu trẻ em Trung Đông và Bắc Phi đối mặt mùa đông “khốc liệt”
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết cơ quan này đang thiếu khoản tài trợ 33 triệu USD, trong đó 2/3 để hỗ trợ cho trẻ em trên toàn khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong mùa đông này.
Ông Geert Cappelaere, giám đốc UNICEF tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết xung đột trong nhiều năm, việc làm thiếu thốn, nhà cửa bị tàn phá đã làm giảm nguồn tài chính của người dân ở khu vực này. Thiếu thức ăn bổ dưỡng, điều kiện chăm sóc sức khỏe kém khiến trẻ em phát triển yếu và dễ bị hạ thân nhiệt cùng các bệnh về đường hô hấp.
Đánh bom liều chết tại Cameroon khiến ít nhất 29 người bị thương
Ít nhất 29 người đã bị thương trong một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại vùng Viễn Bắc của Cameroon, nơi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Các nguồn tin an ninh địa phương cho hay một đối tượng là nữ giới đã tự kích nổ khối thuốc nổ mang trong mình. Vụ nổ xảy ra tại Amchide, một thị trấn biên giới với Nigeria.
Cameroon là quốc gia chủ yếu nói tiếng Pháp. Trong thời gian qua, quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Vùng Đông Nam và Vùng Đông Bắc gia tăng hoạt động đòi ly khai. Ít nhất 70 trường học đã bị phóng hỏa kể từ năm 2016 khi các giáo viên và luật sư biểu tình phản đối việc sử dụng tiếng Pháp ở nước này.