EU nhất trí…

Kể từ sau khi giới chức Anh và EU đạt được bản dự thảo thỏa thuận về Brexit cách đây hơn 1 tuần, các cuộc đàm phán, các hoạt động ngoại giao con thoi liên tục được xúc tiến nhằm gỡ bỏ những rào cản cuối cùng, đặc biệt là sự bất đồng đến từ một số thành viên như Tây Ban Nha.

Cuối cùng, tại Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường hôm 25/11, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua hai văn kiện Brexit chính, gồm một tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit và một bản thỏa thuận rút khỏi EU dài 585 trang.

tien-trinh-dam-phan-brexit-thong-nhat-hoa-don-ly-hon-tri-gia-39-ty-bang-hinh-anh-1.jpgTrưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cầm tập dự thảo thỏa thuận Brexit. Ảnh: AFP.
Thỏa thuận rút khỏi EU là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng, quyền công dân, và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc…

Trước đó, trong ngày thứ Bảy (24/11), những cản trở cuối cùng có nguy cơ làm thất bại Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã được gỡ bỏ, trong đó nổi bật là vấn đề Gibraltar khi chính phủ Anh tuyên bố đạt được thỏa thuận với chính phủ Tây Ban Nha về việc hai bên sẽ đối thoại trực tiếp để xác định quy chế tương lai của vùng lãnh thổ Gibraltar sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Theo ông Donald Tusk, đây đều là những thỏa thuận tốt nhất mà hai bên có thể tìm được sau 2 năm đàm phán khó khăn. 

Thực tế, để bản dự thảo thỏa thuận Brexit được các thành viên EU nhất trí không phải quá khó khăn bởi thực tế trong giai đoạn đàm phán nước rút vừa qua, nước Anh đã chịu nhượng bộ EU khá nhiều. 

Chẳng hạn như về tài chính, Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ Euro. Hay Tòa tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh.

Quan trọng nhất là chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp Nhà nước….


Hơn nữa, theo các nhà quan sát, mặc dù bất cứ thành viên nào trong EU cũng có thể có lý do không hài lòng về sự ra đi của nước Anh song về tổng thể không ai muốn thời gian đàm phán kéo dài quá lâu.

Giữa năm 2019, EU sẽ tổ chức bầu cử Nghị viện - một sự kiện chính trị quan trọng của khối. Vì thế, giải quyết nhanh gọn vấn đề Brexit để tập trung cho những vấn đề của cuộc bầu cử sắp tới được cho là ưu tiên mà giới chức Brussels cũng như các nước thành viên EU muốn hướng tới.

Bởi vậy cho dù tiến trình đàm phán giữa hai bên về Brexit không ít trắc trở thì cả hai phía đều vẫn ý thức được rằng rồi cuối cùng vẫn phải kết thúc giai đoạn 1 trước ngày 29/3/2019.

Sau khi dự thảo Brexit được thông qua tại Thượng đỉnh EU, Nghị viện châu Âu dự kiến cũng sẽ sớm phê chuẩn thỏa thuận này và giai đoạn 2 về đàm phán Brexit sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 30/3/2019 nhằm xác định các khuôn khổ mới cho quan hệ EU-Anh.

Theo lý thuyết, các cuộc đàm phán mới này sẽ phải dẫn đến việc ra đời một Hiệp định tự do thương mại mới cùng hàng loạt công ước song phương trong các lĩnh vực an ninh hay nghề cá. Thời điểm dự kiến hoàn tất giai đoạn 2 là cuối năm 2020, sau khi nước Anh kết thúc 21 tháng quá độ trong EU, hoặc có thể kéo dài đến cuối năm 2022 như đề xuất từ phía Ủy ban châu Âu.

Tất nhiên, để đi tới những giai đoạn theo đúng kế hoạch này, thỏa thuận Brexit cần vượt qua cửa ải hứa hẹn nhiều chông gai tại Quốc hội Anh.

Quốc hội Anh có chấp nhận? 

Ngay khi 27 nước thành viên EU đưa ra tuyên bố thống nhất về thỏa thuận Brexit, trên mạng xã hội Anh, “cơn bão” chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Theresa May đổ bộ. Nhiều người gọi đó là “ngày buồn”, một thỏa thuận “không thể chấp nhận được”… Hơn 40 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận Brexit.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từ chức hồi tháng 7 do bất đồng với Thủ tướng Theresa May trong vấn đề Brexit, lý giải với thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan và trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu.

Điều đó có nghĩa nước Anh trên thực tế vẫn ở lại trong EU mà lại không có quyền bỏ phiếu và ra quyết định các vấn đề chung.

Theo ông, như vậy, nước Anh sẽ trở thành một “chư hầu” của khối. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Giao thông Jo Johnson, người đã từ chức ngày 9/11 để phản đối đường lối Brexit của bà May thì kêu gọi phương án tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới.


Dự kiến Quốc hội Anh sẽ phải quyết định có thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit mà Anh và EU vừa đạt được hay không vào tháng 12  tới. Như vậy trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng nữa, nhiệm vụ của bà May sẽ vô cùng nặng nề trong việc đi tìm sự ủng hộ trong nước. Hiện bà đang sử dụng chiến thuật “cương - nhu kết hợp”.

Một mặt nữ Thủ tướng kêu gọi người dân ủng hộ thỏa thuận này “vì lợi ích của nước Anh”, đồng thời hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Bà cam kết sẽ vận động bằng cả “con tim và khối óc” để thỏa thuận Brexit này được Quốc hội Anh thông qua.

Mặt khác, bà May đưa ra cảnh báo rõ ràng cho các Nghị sĩ Anh rằng “hoặc là ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà vừa đạt được với EU, hoặc là sẽ không có bất cứ một Brexit nào”.

Bà May cũng cảnh báo tất cả những phe nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như đảng đối lập rằng nếu bà bị mất chức vào thời điểm này thì tiến trình Brexit chắc chắn sẽ bị đình trệ và nước Anh sẽ không biết khi nào mới có thể rời khỏi EU. 

Giới phân tích cho rằng, nếu Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit, mọi thứ sẽ trở lại vạch xuất phát và khi đó tình thế sẽ phức tạp, thậm chí rơi vào hỗn loạn. Đương nhiên, với kịch bản như vậy, số phận chính trị của Thủ tướng May sẽ bấp bênh hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đối mặt với những thách thức ở quê nhà. Ảnh: Reuters
Nếu muốn được Quốc hội phê chuẩn thì bà May sẽ phải có chỉnh sửa một số nội dung nhất định trong thỏa thuận với EU. Nhưng điều này cho đến nay được xem là đã hết cửa. EU chắc chắn không chịu thêm bất cứ một nhân nhượng nào nữa bởi Brexit đã là chuyện “cực chẳng đã”, chỉ có thể xảy ra một lần chứ không phải tiền lệ và càng không thể trở thành thông lệ trong tương lai của EU.

Thực tế hiện nay có lẽ là điều mà các những người ủng hộ Brexit không thể tưởng tượng ra khi họ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu hồi tháng 6/2016. Sự phức tạp của các cuộc đàm phán, sự ràng buộc về trách nhiệm và nghĩa vụ khiến cho việc đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên là điều không thể.

Xét tình hình hiện nay thì tương lai nước Anh từ nay đến ngày 29/3/2019 chứa đựng nhiều điều bất ổn như chính cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra. Có thể nói tiến trình đàm phán Brexit đã gần về đích, nhưng chưa rõ tương lai sẽ thế nào./.