Mỹ đã và đang tích cực triển khai các hệ thống phòng không trên toàn cầu, kể cả ngay tại cửa ngõ của Nga, tại các nước Baltic, và Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cấp cao Nga khẳng định nước này không nên lo lắng “dù điều gì xảy ra trên thế giới đi chăng nữa”, vì an ninh của họ được bảo đảm. Trong phát biểu của mình, ông Lavrov có nhắc đến Tổng thống Vladimir Putin cùng những diễn biến mới trong Quân đội Nga.
Cũng theo RT, Tokyo đang lên kế hoạch chi khoảng 4,2 tỷ USD trong 30 năm tới để lắp đặt và vận hành các hệ thống ra đa của Mỹ trên hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất mới Aegis Ashore.
Dù Nhật Bản khẳng định các hệ thống này nhằm bảo vệ trước các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, Nga đã nhiều lần phản đối việc triển khai chúng, gọi đó là việc làm “không tương xứng” và có thể phá hoại “sự ổn định chiến lược ở khu vực phía Bắc Thái Bình Dương”. Năm 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố sự xuất hiện các hệ thống này tại các đường biên giới phía Đông nước Nga là “điều gì đó chúng tôi chắc chắn không thể không xem xét trong khi lên kế hoạch quân sự”.
Lavrov cũng đề cập đến thái độ dường như không sẵn lòng hợp tác của Washington với phần còn lại của thế giới trong việc khám phá không gian. Theo đó, trong khi châu Âu và các nước phát triển hiện sẵn sàng thảo luận dự thảo hiệp ước cấm vũ khí không gian do Nga và Trung Quốc khởi xướng, thì Mỹ là nước duy nhất phản đối đề xuất này.
Theo RT, Mỹ đã bắt đầu xem xét việc quân sự hóa không gian. Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lệnh thiết lập Lực lượng không gian thành nhánh thứ 6 trong Quân đội Mỹ, khẳng định “sự chi phối không gian của Mỹ” nên bắt đầu. Hồi tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỷ USD trong năm tới. Trong số các điều khoản của đạo luật này, có nội dung yêu cầu Lầu Năm Góc phát triển một “chính sách chiến đấu trong không gian” trước thời điểm cuối tháng 3/2019.