Dự kiến các bên sẽ bàn thảo các vấn đề liên quan đến việc thành lập ủy ban hiến pháp Syria, tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng, cũng như những nội dung nhân đạo trong chương trình nghị sự, bao gồm việc tăng cường các biện pháp củng cố lòng tin và đưa người di cư Syria trở về nước.
Trong ngày đầu tiên, sẽ diễn ra các cuộc tham vấn cấp chuyên gia. Ngày 31/7 sẽ có một phiên họp toàn thể.
“Các đại biểu tham dự sẽ trao đổi ý kiến về quá trình tạo điều kiện cho đối thoại liên Syria dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các quyết định của Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria tại Sochi. Họ sẽ tiếp tục thảo luận các bước tiếp theo nhằm thành lập ủy ban hiến pháp càng sớm càng tốt, với vai trò là một yếu tố then chốt thúc đẩy quy định chính trị của cuộc khủng hoảng Syria”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Phái đoàn Nga do Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách Syria Alexander Lavrentyev và Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Vershinin dẫn đầu. Các phái đoàn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ do các Thứ trưởng Ngoại giao Hossein Ansari và Sedat Onal dẫn đầu.
Đặc phái viên của Liên Hợp quốc phụ trách vấn đề Syria Staffan de Mistura và các đại biểu đến từ Jordan sẽ đóng vai trò các quan sát viên. Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cũng được mời dự họp. Các nhà ngoại giao Mỹ đã chọn không tham gia hội nghị này.
Phía chính quyền Syria có Đại diện thường trực tại Liên Hợp quốc Bashar Jaafari. Hiện chưa rõ liệu các đại diện phe đối lập có vũ trang của Syria có tham dự hay không.
9 hội nghị trước trong khuôn khổ Astana diễn ra tại thủ đô của Kazakhstan. Theo Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách Syria Alexander Lavrentyev, quyết định tổ chức phiên họp thứ 10 tại Sochi được đưa ra nhằm bổ sung thêm một khía cạnh mới cho tiến trình Astana, “chuyển trọng tâm sang các phương diện chính trị và nhân đạo”.
Phiên họp thứ 4 của Tổ công tác về việc phóng thích tù nhân, bàn giao thi thể và nhận diện những người mất tích cũng sẽ diễn ra tại hội nghị lần này.