(Baonghean) - Nghe bảo tôi sắp có chuyến công tác về Diễn Châu, cô bạn làm ở ngành Văn hóa mách nhỏ, hãy ghé Diễn Hoa một chuyến, thăm làng cổ Phượng Lịch, ngắm đình làng ngót 150 năm tuổi để cảm nhận rõ hơn mạch nguồn văn hóa - lịch sử vùng đất ấy…
Một chuyến du ngoạn đích thực băng băng trên những tuyến đường nông thôn mới phẳng lì, thong dong ngắm những xanh rì đồng bãi mà hồi tưởng về trăm năm trước, khi nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải còn thịnh ở đất này. Vải của dân Phượng Lịch đẹp và bền có tiếng gần xa, người dân vẫn quen gọi giản dị là vải Bùi, đi cả vào câu ca lưu truyền: “Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm!”.
Tôi đã cố công tìm hiểu gốc tích của danh xưng dân dã vải Bùi, nhưng chẳng có câu trả lời nào minh xác ngoài tích cổ về vị Công chúa Hồng Thị Châu Nương - vợ thứ 3 của Thượng tướng Trần Quang Khải, người được tôn xưng là vị tổ làng, có công khai khẩn, mở mang đất này và dạy cho dân nghề dệt vải danh bất hư truyền. Tích rằng, năm 1266, Triều đình nhà Trần xuống chiếu cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải vào làm Quản hạt Nghệ An. Công chúa Hồng Thị Châu Nương cũng vào theo. Tại đây, bà chiêu dân, lập ấp, mở một trang trại lớn gọi là Giang Lâm, gồm hai xã Hạnh Lâm và Đào Viên cũ, tức là đất của xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Hoa bây giờ. Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, bà trở lại kinh thành Thăng Long. Dân làng Phượng Lịch nhớ công ơn mở mang làng xã Cửa Lò mà lập đền thờ, giữ nếp dâng hương hoa hàng năm vào các ngày sóc vọng.
Chẳng biết có phải vì làng cổ trăm năm được khai mở bởi sự chăm nom dưới bàn tay nhân hậu của vị Công chúa thời Trần hay không, mà nếp làng ánh lên vẻ đẹp duyên dáng mến yêu đến thế? Vãn chiều, tôi đến thăm đình làng Phượng Lịch - ngôi đình đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đình ở giữa một quần cư trù mật, trên vùng đất rộng, bằng phẳng, nổi bật giữa những nhấp nhô cao tầng, mái ngói nhà dân là kiến trúc cổ kính, rêu phong, mà dẫu đã trải hơn thế kỷ, vẫn bền bỉ như một minh chứng của thời gian. Theo những ghi chép lịch sử, ban đầu, đình Phượng Lịch gồm một đình chính, đến năm 1875 và năm 1886, đình mới được trùng tu thêm nhà hữu vu, tả vu và hậu cung. Tòa đình có kiến trúc thời Nguyễn, quy mô lớn, diện tích xây dựng 150m2, nhà quay về hướng Nam gồm 5 gian, 6 vì, mỗi vì có 4 cột được kê trên những tảng đá xanh lớn. Tòa đình này cũng chính là chứng tích cuối cùng còn lại sau bao dâu bể thời gian. Tôi mê mải ngắm những mảng phù điêu sinh động và tinh xảo trên nóc đình, nơi có hình lưỡng long mềm mại mà oai phong kìm hai bên bờ nóc đắp hình cá sấu chầu vào nhau. Rồi say sưa thán phục cho tài hoa của nghệ nhân xưa, với 4 đầu đao cong vút hình cá hóa rồng cách điệu và hình chim phượng xòe cánh, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát…
Bao năm nay, đình làng Phượng Lịch đã trở thành điểm tựa tâm linh cho nhân dân làng cổ. Đình là điểm diễn ra các hoạt động tế lễ, cầu yên, cầu phúc; đồng thời, sân đình cũng là nơi sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc như đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, hát ca trù… Ngôi đình ấy còn là chứng tích ghi dấu thời kỳ đấu tranh rung trời chuyển đất của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 và trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc qua những cuộc họp kín, những sự đi về bí mật của các nhân vật cách mạng và nhân dân yêu nước.
Bài, ảnh: Phương Chi