(Baonghean) - Người miền xuôi gọi người bản mình là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Gọi vậy cũng đúng thôi. Ngay cả đường đi cũng khó khăn mà. Bản Vạn, bản Mánh, bản Nguộc… đều như vậy cả! 
 
Nhà nước quan tâm đầu tư bê tông một đoạn đường chắc lắm. Người bản Vi, bản Hiêng và mấy bản phía trong đi lại thuận lợi hơn trước nhiều. Nhà nước lại quan tâm cho cây mía về vùng thung lũng Tung Nguộc, Tung Manh. Ba năm nay, dân bản trồng nhiều mía, cuộc sống dân bản dần ấm no. 
 
Từ ngày có cây mía về thì dân bản vất vả hơn, nhưng có việc để làm, có tiền tiêu, vất vả cũng bõ công. Nhưng không chỉ cái vai, cái lưng người vất vả mà chính con đường từ bản Vi qua bản Hiêng, bản Vạn, bản Nguộc, bản Mánh vào thung lũng trồng mía cũng phải oằn mình “gánh” các xe trọng tải lớn vào chở mía.
 
Khổ cho cái đường, sau mùa mía là sụt lún, gồ ghề. Người dân thấy khó đi, cán bộ thấy phiền lòng vì dân kêu, nên cho sửa đường. Thế là từ cái ngày làm mía, người dân phải 2 lần sửa đường, trước và sau mùa đốn mía. 
 
Đường đất, đá mà. Xe lại chở quá nặng, hỏng hóc cũng đúng thôi. Bảo người ta chở ít đi thì cây mía về nhà máy chậm quá, chủ xe chở được ít lại đòi tăng giá vận chuyển. Rốt cuộc, dân bản lại là người chịu khổ. Thôi thì sửa đường cũng được.
 
Từ đầu năm nay, nhà nước đầu tư cho đoạn đường bê tông, chưa phải dài lắm nhưng nghe nói nó cũng ăn hết tiền tỷ rồi đấy. Cán bộ xã, cán bộ huyện nói cái đường này chỉ chịu được 13 tấn thôi. Nhưng xem ra, không có cái xe ô tô chở mía nào dưới 17, 18 tấn đâu. Phần nhiều đều trên 20 tấn cả. Mỗi ngày có cả chục cái xe chở mía đi qua. Nay mới đầu mùa chở mía chứ khi xong mùa cũng phải đến vài trăm xe… 
 
Nếu cứ chở quá tải như thế thì chẳng bao lâu đường tiền tỷ hỏng mất. Vậy thì lãng phí quá. Cán bộ về tiếp xúc cử tri bảo người dân phải yêu cầu người chở mía hạ tải. Thế nhưng cán bộ xã vẫn chưa có cách gì để ngăn chặn tình trạng này... Thế nên cái đường sẽ còn khổ vì phải gùi nặng!
 
 H.V
 
         Theo lời ông Lương Văn Dục (bản Hiêng – Bắc Sơn – Quỳ Hợp)