(Baonghean) - Sau Hội nghị Quân khu ủy họp 2 ngày giữa tháng 4/1965, có Bí thư tỉnh ủy Võ Thúc Đồng tham dự, cả Nghệ An đã chuẩn bị tâm, thế bước vào cuộc chiến khốc liệt không cân sức với một kẻ địch mạnh nhất lúc bấy giờ...
 
Lực lượng bảo đảm giao thông tại Bến Thủy, Nam Đàn, cầu Cấm, Mường Xén, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai… được chuyển giao cho các đại đội công binh chủ lực sử dụng ca nô, phà, cầu phao quân sự vượt sông. Cả tỉnh bố trí trận địa 340 đội trực chiến đánh máy bay tầm thấp, với gần 3000 dân quân tham gia. Họ là lực lượng chia lửa, bảo vệ trận địa pháo phòng không cho các Trung đoàn 280, 214, Tiểu đoàn 14 (Sư đoàn 341), Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 325). Trong mấy ngày đầu thực hiện chiến dịch đánh phá khu 4 với tên gọi sặc mùi hiếu chiến như: Flamming 1 rồi Flamming Ddrarrt, nghĩa là “Mũi lao lửa 1”, “Mũi lao lửa 2”. Bọn giặc trời Mỹ phải trả giá đắt trên vùng trời quê hương Bác.

 

images1100559_image002.jpgDân quân du kích xã Nghi Phương (Nghi Lộc) phá bom nổ chậm tại trọng điểm cầu Phương Tích (1967). Ảnh tư liệu
Chúng bị lưới lửa phòng không 3 thứ quân Nghệ An bắn rơi 15 máy bay siêu tốc với đủ loại được mệnh danh quái quỷ: “Thần Sấm”, “Con Ma”, “Thập tự Chinh”, “Giặc nhà trời”, “Kẻ đột nhập”. Trong bộ sưu tập số máy bay phản lực Mỹ tan xác vào tháng 5/1965, có chiếc F8U bị pháo cao xạ Đại đội 5, Trung đoàn 214 bắn rơi tại chỗ, cách ga Vinh chưa đầy 300 mét. Người dân Vinh được chứng kiến chiếc máy bay như bó đuốc khổng lồ cắm xuống đất tan xác cùng với tên giặc lái không kịp bung dù cứu mạng.
 
Một trùng lặp lịch sử vô cùng ý nghĩa. Ngày chiếc máy bay thứ 300 bị quân dân Nghệ An bắn rơi tại Vinh, (27/5/1965) trở thành ngày khai sinh Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước Nghệ An. Tổng đội mang phiên hiệu “XKN-300”, tập hợp 8500 chàng trai, cô gái trẻ trung. Họ tình nguyện “Ba sẵn sàng” trong đội hình 40 đại đội bán vũ trang, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải không chỉ ở Nghệ An, mà còn chi viện cho Quảng Bình, Quảng Trị, chiến dịch đường 9 Nam Lào.
 
Tôi không thể quên, sau trận bom đánh phá cầu Diễn Thành ngày 25/10/1965, chú Võ Văn Gái hy sinh tại mố cầu Bắc, tôi bị thương nhẹ, hụt chết vì mảnh bom xoẹt qua trán. Cầu bắc xong, trong đêm 26/10/1965, đội công trình 1-5 (Ty Giao thông Vận tải) chuyển quân gấp gáp vào trọng điểm cầu Cấm. Mệnh lệnh của Trưởng ty Giao thông Nguyễn Sĩ Hòa giao bảo đảm giao thông từ Nam ga Mỹ Lý (Diễn An) tới Bắc cầu Cấm, đón “Chiến dịch vận tải Quang Trung” với yêu cầu thông xe, thông hàng 700 tấn mỗi đêm, trên Quốc lộ 1A vượt trọng điểm cầu Cấm.
 
Đã vào đông, trời se sắt lạnh. Chỉ với những chiếc xe cải tiến, vành sắt, bánh cao su đặc, chúng tôi chất tất cả hòm, ba lô cá nhân, xẻng, cuốc chim, búa tạ, xà beng, tời quay tay lên thùng xe rồi kéo bộ ngót ba mươi cây số vào xã Diễn An trú quân. Ngày hôm sau, vào cầu Cấm nhận phân tuyến sửa chữa từ cầu 12/9 vào cầu Riềng, chúng tôi không thể ngờ sức tàn phá bom, đạn Mỹ trút xuống đoạn đường bắc cầu Cấm gần một năm qua.
 
Đoạn chạy sát đường sắt bị bom tấn, bom nổ chậm, tên lửa Bun pớp băm nát từng mảng, thủy triều lên, kênh nhà Lê tràn nước vào mặt đường tạo nên những điểm lầy cục bộ bùn, đất, xe chở nặng hàng rất dễ sập bánh xuống hố bom liên hoàn. Kế sách duy nhất thông đường chỉ có thể vừa lấp hố bom, vừa kết hợp chống lầy từng đoạn ngắn. Đội trưởng đội 1-5, Nguyễn Hồng, ông quê ở Bình Sơn - Quảng Ngãi cùng Bí thư chi bộ, Đội phó Trần Văn Ngoãn xắn quần ra hiện trường bàn cách xử lý hố bom. Ông nhìn quanh quất rồi cười khà khà như chợt tâm đắc một điều gì vừa vỡ ra. Ông kéo mấy tốp công nhân lại, chỉ lên rừng bạch đàn, vành đai tre mọc dày đặc bờ kênh nhà Lê, rồi ông hướng về dãy hố bom loáng nước. Thủng thẳng ông bảo: “Dùng cây bạch đàn, cây tre làm cầu rông  đanh bắc qua hố bom kịp thông xe trong đêm, ban ngày sẽ cùng lực lượng thanh niên xung phong lấp đầy từng hố cơ bản”. Ngay ngày hôm sau, các đại đội TNXP 324, 302, 317 thuộc quân của đội 67 từ nơi trú quân Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Phú, Nghi Long, Nghi Thuận đổ ra công trường chặt cây đóng cọc, ghép bạch đàn lát rông đanh. Một bộ phận hỗ trợ đội công trình 1-5 vận chuyển hàng vạn bạch đàn còn tươi mủ bằng xe cải tiến, bằng cả đôi vai tròn mẩy con gái Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thị xã Vinh. Hơn một tuần cật lực, nhiều hôm tạm dừng tránh máy bay, lực lượng thanh niên xung phong thuộc đội 65, đội 67 và đội công trình 1-5 đã hàn kín miệng mấy trăm hố bom.
 
Những ngày trằn lưng, phồng rộp tay quai búa khai thác đá, cấp phối rải đường ở Lèn Dơi, Thần Vũ, chúng tôi như được truyền lửa từ các đại đội. Các chú, các bác đội công trình 1-5 phần đông xa quê Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi từ sau Hiệp định Giơ- ne -vơ như trẻ lại. Họ hò mái nhì, họ giã gạo, hò bài chòi, rôm rả trả đáp lối hò ghẹo, hò đố tinh quái của mấy cô TNXP xứ Nghệ. Đôi lúc làm đêm, các bác, các chú cũng hò nối giọng sông Mã với thủy thủ vận tải thuyền nan Thanh Hóa trên kênh nhà Lê. Họ là xã viên HTX vận tải Điện Biên chống thuyền nan tải hàng vượt tọa độ lửa cầu Cấm.
 
Là người trong cuộc, từng chịu nhiều trận bom, rồi đạn pháo kích từ mạn biển Nghi Thiết, Nghi Quang câu bất thần, chúng tôi nhận ra tiếng hò, tiếng hát như liệu pháp giải tỏa căng thẳng giữa hai trận bom đạn. Không ai dám bảo tôi không sợ chết khi từng ngày, từng giờ trơ trọi trên mặt đường trống trải, chỉ vài chiếc hầm cá nhân không nắp đậy, chắc chắn hơn là căn hầm Triều Tiên chống vì kèo gỗ bạch đàn, gỗ thông, đắp một lớp đất bên ngoài che chắn mảnh bom, mảnh đạn. Thế nhưng bom rơi cạnh hầm thì khó giữ được mạng sống, cầm chắc cái chết. Chú Dương Văn Mon là công nhân tập kết năm 1954, đang san đất mặt đường, máy bay ào đến, chú chưa kịp nhảy xuống hầm, mảnh bom đã phạt ngang người. Ngày hôm ấy (26/12/1965), chúng đánh 8 trận, ném 110 quả sát thương. Anh Phạm Bá Cảnh, quê Nghi Quang, ban trưa vừa chợp mắt nơi trú quân cạnh kênh nhà Lê, một loạt đạn rốc két phóng chệch chiếc thuyền nan cũng cướp đi sinh mạng của anh. Vào bám trụ cầu Cấm chưa đầy một tháng, đội công trình 1-5 bị bom, đạn Mỹ cướp mất 2 người, chưa kể chú Võ Văn Gái hy sinh trước đó một tháng tại cầu Mới, Diễn Thành.
 
Chính trị viên Đại đội TNXP 324 Trần Quang Khánh cùng chiến sĩ gái Trương Thị Hiếu hy sinh ngay trong trận bom ngày 25/10/1966, ném vào nơi đóng quân xã Diễn Phú. Đại đội TNXP 302 trú tại xóm giáo xã Nghi Thuận cũng bị mấy loạt bom tấn, 13 người dân chết tại chỗ, 2 chiến sĩ TNXP bị thương rất nặng, rồi cũng ra đi vĩnh viễn. Đó là chưa tính trận đánh phá ngày 26/12/1966 (âm lịch), nhằm ngày 5/2/1967 (dương lịch), cướp đi cùng lúc 15 chiến sĩ đội 69 thuộc lực lượng bảo đảm giao thông đường sắt phía Nam. Các anh, các chị hy sinh trong trận bom 5/2/1967 đều ở Thanh Chương, Nam Đàn và có chung ngày nhập ngũ tháng 5/1965.
 
Tại tọa độ lửa cầu Cấm, từ tháng 9/1965 đến tháng 9/1968 đã có 41 cán bộ, chiến sĩ, công nhân giao thông hi sinh, riêng TNXP đội 69, C302, C324 chiếm tới 37 người. May mắn “không trầy vi tróc vảy” C333 đội 69 là bảo toàn được lực lượng suốt 2 năm tại cầu Cấm. Ngày 21/07/1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ gửi thư khen và tặng chiếc đài bán dẫn hiệu Oriontông cho C333... 
 
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông từng nhiều lần qua trọng điểm cầu Cấm. Chứng kiến mức độ tàn phá hủy diệt thung lũng sát biển này, ông đã thốt lên với ông Nguyễn Sỹ Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban bảo đảm giao thông Nghệ An: “Mình chỉ vượt qua chốc lát thôi đã căng thẳng, toát mồ hôi. Thế mà chúng nó bám trụ hàng ngày, hàng tháng trời dưới tầm bom, đạn. Thật gan góc, thật kiên cường!”.
 
Trong hai tháng cuối năm 1965, chủ động phá thế độc tuyến, chúng tôi hiệp đồng mở 7km đường xế men chân núi Thần Vụ, nối với bến phà Cầu Cấm, tăng tuyến, tăng bến vượt sông trên Kênh nhà Lê. Tuyến đường sắt có thêm cầu 100, nằm cách cầu Cấm không xa. Cầu được bắc bằng những thanh tà vẹt, thanh ray, hạ thấp hai nhịp sát mặt sông, thu nhỏ mục tiêu bắn phá. Cầu chỉ dành tải đầu kéo mỗi chuyến vài toa hàng trung chuyển vào ga Quán Hành, đôi lúc tới ga Vinh. Dịp ngừng bắn, hàng trăm toa, mỗi toa chứa khoảng 5 tấn được kéo thẳng tới ga Minh Cầm (Quảng Bình).
 
Lực lượng hiệp đồng bảo đảm giao thông cầu Cấm giữ lời hứa danh dự và cả bằng máu. Trong chiến dịch vận tải Quang Trung đợt 1 (tháng 11/1965- 7/1966), họ góp phần đưa 36.781 tấn hàng vượt qua trọng điểm cầu Cấm.
 
Câu khẩu hiệu “ Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” được tạc vào vách núi Thần Vụ, viết vào thùng xe cải tiến, dán cả lên vành mũ, vành nón. Ý chí ấy, nghị lực ấy, sự hi sinh ấy gần như ngấm vào máu thịt của gần 3000 đội viên TNXP, công nhân đội công trình 1-5, đội Cầu 5 đường sắt, Đại đội Công binh 30, 37 và của cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 li, 14li 5 mang tên D16A – Quân khu 4 kiên gan bám trận địa trong thế trận đánh địch, thông đường!
 
Văn Hiền